- Các sách
- Sách tự kỷ
Trang Chủ :: Chơi và học :: Dạy trẻ chơi giả vờ
2. Dạy trẻ bắt chước và tham gia
9. Gợi ý đồ chơi cho trẻ tại nhà
10. Dạy trẻ biết chơi đa dạng đồ chơi
11. Dạy trẻ biết chơi một mình đúng cách
12. Dạy trẻ chơi trò chơi giải quyết vấn đề
14. Dạy trẻ biết hiểu và cùng tham gia
15. Dạy trẻ kỹ năng tô màuVideo hướng dẫn cha mẹ và cán bộ y tế dạy trẻ tô màu:
Tại sao vẽ và tô màu lại quan trọng?
Trẻ em cần có những cơ hội luyện tập kỹ năng vận động tinh để phát triển khả năng phối hợp vận động và rèn luyện các cơ nhỏ ở tay. Tập vẽ và tô màu là một cách để trẻ phát triển kỹ năng vận động tinh mà sau này trẻ sẽ cần đến khi học viết. Kỹ năng vận động tinh là khả năng điều khiển và phối hợp các cử động của bàn tay để hoàn thành các công việc như viết chữ, buộc dây giày hoặc dùng đũa hoặc dĩa để ăn.
Trẻ tự kỷ có thể gặp những khó khăn hay khác biệt gì khi vẽ và tô màu?
- Trẻ tự kỷ thường gặp nhiều khó khăn hơn các trẻ khác trong việc phối hợp các cử động của bàn tay. Vì vậy trẻ có thể sẽ cần nhiều thời gian và sự động viên hơn để phát triển được kỹ năng này.
- Do trẻ có những khó khăn về giác quan, nên khi tô màu trẻ có thể bị dây bẩn ra bàn tay, ngón tay cầm màu vẽ.
Trẻ cần kỹ năng gì để vượt qua những khó khăn này?
- Xác định tay nào là tay thuận: tay thuận là tay dùng để cầm bút chì hoặc kéo khi cắt. Bạn có thể dùng những cụm từ như là “bàn tay hướng dẫn” hoặc “bàn tay trợ giúp” để giúp trẻ hiểu vai trò của mỗi bàn tay và cách phối hợp hai bàn tay với nhau để làm một việc gì đó.
+ “Bàn tay hướng dẫn” là tay thuận của trẻ.
+ Tay còn lại, “bàn tay trợ giúp” là tay không thuận của trẻ, dùng để cố định tờ giấy hoặc quyển vở, giúp cho việc vẽ, tô màu, viết chữ hay cắt giấy dễ dàng hơn.
- Chỉ cho trẻ cách cầm bút chì hoặc bút màu trước, sau đó mới yêu cầu trẻ thử làm. Bắt đầu bằng những loại bút chì hoặc bút màu to. Gợi ý để trẻ dùng tay không thuận, hay “tay giúp đỡ”, giữ tờ giấy hoặc quyển vở.
+ Để dễ dàng hơn, dùng các loại bút chì/ bút màu to hoặc dùng dụng cụ hỗ trợ cầm bút chì (như hình vẽ).
+ Nếu trẻ khó khăn khi sử dụng bút chì hoặc bút màu, cho trẻ dùng ngón tay để tô màu cũng là một cách tốt để luyện cơ và phối hợp vận động.
- Những cách hỗ trợ trẻ: làm mẫu trước cho trẻ, dùng lịch trình bằng hình ảnh, lời gợi ý, hoặc hỗ trợ toàn bộ bằng cách cầm tay trẻ nếu cần.
- Động viên, ghi nhận và khen ngợi khi trẻ cố gắng tự hoàn thành các việc một mình.
- Khi mới bắt đầu, cho trẻ tô màu những bức tranh lớn, hình khối đơn giản với đường viền quanh đậm. Tăng dần độ khó với những bức tranh nhỏ hơn, các hình khối phức tạp hơn và đường viền quanh mảnh hơn.
- Nếu trẻ có khó khăn với các hoạt động vẽ hoặc tô màu, cha mẹ có thể phát triển kỹ năng phối hợp và rèn luyện đôi tay thông qua hoạt động tô màu bằng ngón tay, chơi đất nặn hoặc chơi với các vật nhỏ khác mà cần dùng các vận động tay như ấn, nắn hoặc véo.
- Tạo ra các cơ hội để trẻ cải thiện kỹ năng vận động tinh. Ví dụ, thay vì mở gói bim bim cho trẻ, trước tiên để trẻ thử tự mở. Cất một số đồ chơi của trẻ vào một cái túi buộc kín và để trẻ thử tự mở túi, cho trẻ chơi đất nặn hoặc để trẻ tự mở nắp các hộp đựng.
Phụ huynh nói gì?
Trước khi nói về chuyện tô màu, tôi xin thông báo là anh chàng Khoai nhà tôi đến tận lúc 5 tuổi rưỡi mới lần đầu tiên tự tô liền một mạch hết được một bức tranh bông hoa có 5 cánh nhé. Anh ấy thuộc nhóm không hào hứng với mọi trò chơi liên quan đến giấy bút sách vở. Nhưng vì sao lại phải dạy tô màu? Tô màu và vẽ là vận động tinh, giúp tập luyện các ngón tay và bàn tay. Tô màu cũng liên quan đến khả năng tô chữ khi vào tiểu học. Tô màu cũng là trò chơi luyện sự yên tĩnh, sự tập trung bên bàn học. Tô màu cũng rèn luyện ý thức làm việc gì cho xong việc đó, tăng chú ý, kiềm chế sự tăng động. Trong video cô giáo rủ bé chơi đất nặn trước rồi mới học tô màu. Những hoạt động véo, vo, ấn vào khối đất nặn là bài tập vận động tinh đối với tay. Sau đó rồi dạy cách cầm bút bằng một tay, giữ giấy bằng tay còn lại. Nếu con khó cầm bút, thì dùng bút có thân to hoặc mua một dụng cụ bao lấy cây bút, có bán ở các nhà sách. Nếu con rất ghét bút, ban đầu có thể tập con dùng ngón tay chấm vào màu nước để tô màu. Cũng có bé thích tô bằng màu nước và bút lông hơn, trông rất nghệ sĩ. Ban đầu bạn cần chọn tranh có đường nét đơn giản và có những mảng rộng để tô. Hầu hết mẫu tranh bán sẵn tại các nhà sách hiện nay không phù hợp, vì nhiều chi tiết quá. Bạn nên tìm mẫu tranh trên mạng hoặc tự vẽ. Quan trọng là, tùy mức độ tập trung của con bạn, bạn hãy đưa ra yêu cầu phù hợp, và phải làm sao để con có thể đễ dàng làm hết yêu cầu nhiệm vụ đó, rồi mới tăng dần yêu cầu lên, chứ không khuyến khích thói quen làm việc dở dang. Ban đầu bạn có thể yêu cầu con tô hết một cánh hoa, một phần mái nhà của ngôi nhà... (tức là hết được một mảng trong vùng khung viền là được, chứ yêu cầu hết cả bức trang ngay thì hơi khó). Rất nhiều bé sẽ tô nguyệch ngoạc còn mắt thì nhìn đi chỗ khác. Với trẻ tự kỷ thì phối hợp mắt với tay bao giờ cũng khó. Bạn cần nhẹ nhàng nhắc con, hoặc bạn nhấn mạnh sự chú ý bằng cách lấy bút tô đậm cái khung của đoạn cần tô cho con định hình việc tô vào trong đó. Trong video cô giáo cũng làm mẫu thao tác đó đấy. Đối với trẻ ghét hoạt động tô vẽ (như Khoai) thì phải "đánh võng" một chút. Tôi cho Khoai chơi những game tô màu trên máy tính. Những game đó chỉ cần rê chổi vào chỗ chọn màu, rồi đặt chổi vào những phần khác nhau của bức tranh, là tự động tô kín. Nhưng những bài cao hơn cũng khó vì rất nhiều chi tiết và những khoảng để đổ màu bé tý. Khoai thích máy tính nên chơi ngay, chơi rất giỏi. Thế rồi từ từ anh ta cũng chuyển sang thích việc tô màu thủ công. Anh thích ô tô nên mẹ toàn chọn mẫu ô tô cho anh, khen lấy khen để, anh tô xong mẹ còn treo những tác phẩm nghệ thuật như mèo mửa của anh khắp nhà, để động viên anh. Trích đăng nhật ký của anh Khoai lúc đã biết tô màu chăm chỉ nhé: "...Tối qua, tớ tô màu. Tớ lôi hộp bút chì màu rất hoành của anh Ngô tớ ra, nhưng thấy khó dùng lắm, tớ dẹp vào xó bàn của tớ. Xong đâu đấy, tớ mới lấy bút sáp ra dùng. Một lúc, anh Ngô về nhìn thấy cái hộp bút chì màu rỗng vứt ra , thế là kêu toáng lên, chạy ra túm áo bố kiện cáo tùm lum, nào là tớ tự tiện lấy đồ của anh ra dùng, nào là vứt lung tung hết rồi,làm gẫy làm hỏng hết của anh ấy. Tớ đang bận tô màu, nên tớ mặc kệ. Nhưng mà anh ấy cứ lải nhải mãi. Đến lúc bố bảo là: thôi, con nhường em, nó đang tập tô tập vẽ, nó có làm hỏng làm mất ít bút cũng không sao, rồi lại mua hộp khác. Thằng này nó thế này thế kia bla bla bla...Anh Ngô làm thêm câu: "Đúng là thằng điên!". Thật là khó nghe! Thật là xúc phạm! Không thể chịu đựng được. Tớ bèn đứng phắt dậy, quát: "Đừng có nói như hế!" (Ý tớ là như thế, ngọng đấy). Rồi tớ đùng đùng vào góc bàn, lôi soạt cái chỗ bút chì màu tớ dồn trong ấy ra, không thiếu một chiếc, mang ra quẳng trước mặt anh Ngô, rồi quày quả lắc cái mông lép về bàn làm việc tiếp, tức tối ra mặt. Bố mẹ xanh mắt, lè lưỡi nhé!" Các bạn cố gắng nhé, có khi những kỹ năng nhỏ này dạy lâu lắm ấy, thôi cứ mỗi ngày một ít. Nhớ xem video để tham khảo kỹ cách dạy của các cô giáo.