- Các sách
- Sách tự kỷ
Trang Chủ :: Chơi và học :: Dạy trẻ chơi giả vờ
2. Dạy trẻ bắt chước và tham gia
8. Dạy trẻ kỹ năng xếp đồ vậtClip hướng dẫn cha mẹ và cán bộ y tế dạy trẻ kỹ năng sắp xếp đồ vật:
Giới thiệu:
Đối với trẻ mắc chứng tự kỷ, một lịch trình sinh hoạt hàng ngày cố định và các vật dụng xung quanh được sắp xếp có trật tự sẽ giúp ích rất nhiều. Điều quan trọng là trẻ được giúp làm quen tốt với môi trường ở nhà và ở trường để có thể thực hiện được nhu cầu của bản thân một cách độc lập hơn.
Gợi ý cách hướng dẫn trẻ sắp xếp đồ vật:
Bước 1: Chọn hộp đựng phù hợp
- Hầu hết trẻ mắc chứng tự kỷ đều gặp khó khăn trong vấn đề tư duy trừu tượng. Do đó, nếu trẻ không nhìn thấy đồ vật, trẻ thường quên rằng nó ở đó.
- Hộp đựng tốt nhất là những hộp trong suốt để trẻ có thể nhìn thấy và xác định được dễ dàng những đồ vật bên trong hộp. Có thể dán ảnh ở phía trước những hộp không trong suốt để giúp trẻ xác định những đồ vật bên trong.
Bước 2: Luôn để đồ dùng ở cùng một vị trí
- Trẻ sẽ thoải mái hơn trong việc thực hiện các công việc trong lịch trình sinh hoạt hàng ngày khi trẻ biết vị trí để tìm đồ dùng mà trẻ cần sử dụng. Trẻ tự kỷ vốn thích mọi thứ đúng ở vị trí quen thuộc, tạo cho trẻ cảm giác an toàn, vì vậy giai đoạn đầu việc giữ ổn định môi trường sống của trẻ là rất cần thiết. Sau khi trẻ đã thích nghi tốt rồi, thì mới dần giới thiệu những thay đổi rất nhỏ để giúp cho trẻ học cách thích ứng, linh hoạt trong cuộc sống thực tế.
- Sắp xếp đồ vật trên giá theo từng loại đồ chơi hoặc đồ dùng có thể giúp ích cho hầu hết trẻ mắc chứng tự kỷ.
Bước 3: Thay đổi cách hướng dẫn trẻ
- Thay vì chỉ yêu cầu “Đánh răng đi con”, bạn có thể chia nhỏ hoạt động này thành nhiều bước hướng dẫn. Ví dụ: “Đầu tiên, lấy bàn chải đánh răng”, “Lấy kem đánh răng và cốc.”…
- Có thể sử dụng lịch trình trực quan với ảnh của những đồ vật cần thiết để hoàn thành công việc. Ví dụ, bạn có thể dùng ảnh của một cái áo, một cái quần, tất, giầy bên cạnh chữ “mặc quần áo”, thay vì việc chỉ để ảnh có chữ “mặc quần áo”. Trẻ sẽ đi lấy từng đồ theo ảnh và mặc đồ, trước khi tháo/bóc ảnh có hình áo/quần/tất/giầy ra khỏi bảng và xếp ảnh vào khu vực “đã hoàn thành nhiệm vụ”.
Bước 4: Tạo thói quen sắp xếp
- Điều quan trọng là trẻ bắt chước thói quen sắp xếp từ người lớn. Nếu trẻ có lịch trình sinh hoạt rõ ràng, được tổ chức tốt và lặp lại, trẻ sẽ trở nên có trách nhiệm với những đồ dùng của mình và dần dần thể hiện sự độc lập theo thời gian.
Nguồn:
http://www.straighten-up-now.com/kids-with-autism.html
http://www.straighten-up-now.com/kids-school-bags.html
Phụ huynh nói gì?
Khi nhìn thấy cô Thúy trong video này, tôi bật cười vì nhớ đến chuyến đi với cô ấy đến Singapore. Thay vì mua sắm quần áo giày dép thì cô ấy sà vào shop 2 đô la, mua cơ man là hộp nhựa trong suốt và những thứ linh tinh gì đó. Hơn mười năm gắn bó trong nghề dạy trẻ tự kỷ, không biết cô ấy đã dùng hỏng bao nhiêu cái hộp nhựa trong. Những cái hộp đó dùng đựng đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Chúng sẽ dễ dàng nhìn thấy đồ ở bên trong, dễ dàng hơn trong việc lấy và cất đồ. Khi sang những trung tâm ở Brunei, Philippines, tôi cũng thấy những kệ chất đầy hộp đựng đồ bằng nhựa trong như thế. Chứng tỏ là việc xếp đồ trong những hộp này đã thành nguyên tắc phổ biến và có hiệu quả rõ rệt. Một nguyên tắc nữa cũng cần giữ (trên khắp thế giới chứ không phải đùa), là chơi xong phải dọn dẹp đồ chơi cất vào chỗ qui định. Ban đầu mẹ nên dọn cùng con và để con nhặt món cuối cùng xếp vào hộp. Những lần sau giảm dần sự hỗ trợ của mẹ để mình con dọn dẹp hết. Kỹ năng này không quá khó vì trẻ tự kỷ có tính nguyên tắc cao. Khi con đã có nhận thức tương đối và tự giác xếp dọn đồ rồi, thì có thể tập cho con tự xếp sách bút, đồ dùng vào cặp để đi học, tự soạn ba lô mỗi khi đi du lịch. Có hai cách giúp con nhớ đồ: - Lập danh sách những thứ con cần mang, con tích vào từng thứ khi chuẩn bị xong. - Dùng thẻ hình các đồ vật, con lấy xong thứ nào thì đặt thẻ vào khung "Đã hoàn thành" Anh chàng Khoai nhà tôi học tốt môn này và ứng dụng cũng tốt lắm. Hồi anh còn bé, có lần mẹ đang nấu ăn dở dang lại có việc đi ra khỏi bếp, chỉ vài phút thôi, quay lại thấy anh đã tắt bếp, rút phích cắm nồi cơm điện, tắt cả điện luôn. Anh còn lầu bầu trách mẹ không chịu dọn dẹp gọn gàng trước khi ra khỏi bếp. Bây giờ lớn hơn rồi thì anh ta cũng không cứng nhắc như vậy nữa. Những lúc mải chơi anh ấy cũng vẫn quên nọ quên kia và phòng ở lộn xộn như mọi đứa trẻ bình thường. Nhưng nếu cô giáo nhắc nhở gì thì anh vẫn nhớ rất tốt và làm theo mọi chỉ dẫn, rất nghiêm túc và có kỷ luật.
9. Gợi ý đồ chơi cho trẻ tại nhà
10. Dạy trẻ biết chơi đa dạng đồ chơi
11. Dạy trẻ biết chơi một mình đúng cách
12. Dạy trẻ chơi trò chơi giải quyết vấn đề