- Các sách
- Sách tự kỷ
Trang Chủ :: Chơi và học :: Dạy trẻ chơi giả vờ
2. Dạy trẻ bắt chước và tham gia
5. Dạy trẻ thu gọn đồ chơiClip hướng dẫn cha mẹ và cán bộ y tế dạy trẻ thu gọn đồ chơi:
Tại sao sắp xếp đồ đạc cá nhân lại quan trọng?
Tự sắp xếp đồ đạc của mình có nghĩa là trẻ tự dọn dẹp sau khi sử dụng chúng. Việc này sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng lập kế hoạch và sắp xếp cả khi ở nhà và ở trường. Ví dụ như chuẩn bị sách vở trước khi đi học, lấy và cất sách, đồ dùng học tập vào đúng chỗ khi ở trong lớp học hoặc tự dọn dẹp đồ chơi và giường ngủ của mình. Đó đều là những kỹ năng cần thiết cho trẻ trong cuộc sống.
Kỹ năng tiền đề:
Trẻ có thể thực hiện được các thao tác nhặt vật và bỏ vật vào hộp đựng; nghe hiểu hoặc bắt chước được các hiệu lệnh 1 bước (VD: bỏ vào đây)
Trẻ tự kỷ có thể gặp phải những khó khăn hay khác biệt nào trong việc sắp xếp đồ đạc cá nhân?
Trẻ tự kỷ có thể thấy việc dọn dẹp đồ đạc cá nhân là quá sức bởi vì các em gặp khó khăn khi làm theo yêu cầu, không biết các bước thực hiện. Do vậy trẻ có vẻ không ngăn nắp.
Những chiến lược có thể giúp vượt qua các khó khăn này là gì?
- Có chỗ để riêng cho từng đồ vật.
- Sử dụng các hộp chứa đồ bằng nhựa trong để trẻ có thể nhìn thấy bên trong và cho các đồ tương tự vào trong hộp.
- Mỗi lần trẻ đưa đồ ra chơi, nên hạn chế số lượng đồ chơi vừa đủ để chơi cho trẻ, tránh đổ ra quá nhiều khiến việc dọn dẹp thêm khó khăn.
- Chia nhiệm vụ dọn dẹp thành nhiều nhiệm vụ nhỏ. Ví dụ, chia đồ chơi thành nhiều chồng khác nhau, mỗi lần trẻ sẽ dọn một chồng nhỏ.
- Biến việc dọn dẹp thành một trò chơi:- Dọn dẹp cùng với trẻ, thay phiên nhau nhặt đồ và nói “đến lượt mẹ, đến lượt con”, “cái này để vào đây đúng không? Mẹ ngốc quá, con chỉ cho bố/mẹ phải để vào đâu?”. Lúc đầu có thể mẹ là người nhặt chính, con chỉ nhặt vào một vài mảnh, rồi tăng dần số lượng con nhặt tới lúc con tự dọn được hết.- Mẹ và con có thể chơi trò chơi nhanh tay nhanh mắt để tìm vật và cất vật vào hộp- Có thể chơi các trò chơi dùng ánh mắt để ra hiệu xem đồ chơi nào để hộp nào để giao tiếp mắt tốt hơn- Có thể kết hợp bài hát tạo không khí vui tươi và là dấu hiệu để con biết đến giờ dọn rồi, ví dụ như bài “Bạn ơi hết giờ rồi, nhanh tay cất đồ chơi, nhẹ tay thôi bạn nhé, cất đồ chơi đi nào”.
- Dán ảnh lên hộp đựng đồ đạc. Ví dụ, hộp đồ chơi sẽ có ảnh của những đồ chơi trẻ đựng trong đó.
- Nêu rõ qui tắc “nếu con muốn chơi một đồ chơi khác, thì phải dọn xong đồ chơi này đã”. Để đồ chơi của trẻ ở chỗ trẻ không với tới được. Nếu trẻ muốn đồ chơi đó, yêu cầu trẻ giúp dọn dẹp đồ chơi ở trên sàn trước – không dọn dẹp thay cho trẻ, có thể làm cùng với trẻ kể cả khi trẻ chỉ làm một phần nhỏ. Sau đó, cho phép trẻ chơi với đồ chơi mà trẻ muốn.
- Khen thưởng trẻ hợp tác dọn đồ bằng giọng nói vui vẻ/hoặc bằng phần thưởng hoặc cơ hội được chơi trò chơi khác khi trẻ đã dọn xong.
Nếu đã thực hiện các bước trên mà con vẫn chống đối không chịu dọn đồ, bố mẹ cân nhắc những điểm sau:
- Nếu con rất thích các hoạt động và không muốn dừng: Trước khi bắt đầu hoạt động bố mẹ nên có giao ước rõ ràng là chơi bao nhiêu lâu, có thể dùng đồng hồ bấm giờ hoặc nhắc con trước khi hoạt động kết thúc (VD: Còn 5 phút nữa thôi nhé) để con chuẩn bị tâm lý, và khi hết giờ thì bố mẹ dứt khoát giúp con chấm dứt hoạt động.
- Nếu con không chịu dọn đồ:
- Cân nhắc xem bạn có yêu cầu quá sức con không: ví dụ nếu con chỉ có thể dọn được một phần nhỏ, hãy hỗ trợ dọn cùng con một ít, rồi dần tăng số lượng phần con dọn lên.
- Tăng cường phần động lực để giúp con dọn đồ: Nên kết thúc trò chơi khi con bắt đầu có dấu hiệu chán trò chơi đó, hướng dẫn con dọn đồ trước thì mới chuyển sang trò chơi khác. Khen thưởng con khi con hợp tác dọn đồ, và sử dụng các bước để khiến hoạt động dọn đồ thú vị hơn như đã hướng dẫn ở trên.
Phụ huynh nói gì?
Khi nhìn thấy cô Thúy trong video này, tôi bật cười vì nhớ đến chuyến đi với cô ấy đến Singapore. Thay vì mua sắm quần áo giày dép thì cô ấy sà vào shop 2 đô la, mua cơ man là hộp nhựa trong suốt và những thứ linh tinh gì đó. Hơn mười năm gắn bó trong nghề dạy trẻ tự kỷ, không biết cô ấy đã dùng hỏng bao nhiêu cái hộp nhựa trong. Những cái hộp đó dùng đựng đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Chúng sẽ dễ dàng nhìn thấy đồ ở bên trong, dễ dàng hơn trong việc lấy và cất đồ. Khi sang những trung tâm ở Brunei, Philippines, tôi cũng thấy những kệ chất đầy hộp đựng đồ bằng nhựa trong như thế. Chứng tỏ là việc xếp đồ trong những hộp này đã thành nguyên tắc phổ biến và có hiệu quả rõ rệt. Một nguyên tắc nữa cũng cần giữ (trên khắp thế giới chứ không phải đùa), là chơi xong phải dọn dẹp đồ chơi cất vào chỗ qui định. Ban đầu mẹ nên dọn cùng con và để con nhặt món cuối cùng xếp vào hộp. Những lần sau giảm dần sự hỗ trợ của mẹ để mình con dọn dẹp hết. Kỹ năng này không quá khó vì trẻ tự kỷ có tính nguyên tắc cao. Khi con đã có nhận thức tương đối và tự giác xếp dọn đồ rồi, thì có thể tập cho con tự xếp sách bút, đồ dùng vào cặp để đi học, tự soạn ba lô mỗi khi đi du lịch. Có hai cách giúp con nhớ đồ: - Lập danh sách những thứ con cần mang, con tích vào từng thứ khi chuẩn bị xong. - Dùng thẻ hình các đồ vật, con lấy xong thứ nào thì đặt thẻ vào khung "Đã hoàn thành" Anh chàng Khoai nhà tôi học tốt môn này và ứng dụng cũng tốt lắm. Hồi anh còn bé, có lần mẹ đang nấu ăn dở dang lại có việc đi ra khỏi bếp, chỉ vài phút thôi, quay lại thấy anh đã tắt bếp, rút phích cắm nồi cơm điện, tắt cả điện luôn. Anh còn lầu bầu trách mẹ không chịu dọn dẹp gọn gàng trước khi ra khỏi bếp. Bây giờ lớn hơn rồi thì anh ta cũng không cứng nhắc như vậy nữa. Những lúc mải chơi anh ấy cũng vẫn quên nọ quên kia và phòng ở lộn xộn như mọi đứa trẻ bình thường. Nhưng nếu cô giáo nhắc nhở gì thì anh vẫn nhớ rất tốt và làm theo mọi chỉ dẫn, rất nghiêm túc và có kỷ luật.
Chuyên gia nói gì?
Ý kiến của nhà chuyên môn: Nên rèn cho trẻ thói quen thu dọn đồ chơi càng sớm càng tốt, bắt đầu từ mức mà trẻ có thể làm được, như việc chỉ cần trẻ cùng nhặt một vật cuối cùng vào hộp, tới việc trẻ có thể tự dọn hết đồ chơi của mình. Hoạt động này rèn cho trẻ tính trách nhiệm, cũng là tạo nhịp cho trẻ hiểu một hoạt động nào đó đã kết thúc, để sẵn sàng chuyển giao sang hoạt động mới, và có thể lồng vào rất nhiều kỹ năng cho trẻ, như vận động tinh, phân loại đồ vật (màu thì để vào hộp màu, giấy vẽ thì để lại tập giấy), luân phiên (mẹ nhặt một cái con nhặt một cái), lập kế hoạch và phân chia công việc (con nhờ mẹ cất giúp vật nặng, con sẽ tự dọn các đồ nhẹ), v.v. và giúp trẻ thích nghi với các môi trường khác như trường học chẳng hạn. Như vậy chỉ riêng dọn đồ cũng là lúc con đang học. Nên tránh lối suy nghĩ là bố mẹ ông bà dọn đồ hộ để con có thời gian học nhận thức, học chữ, học toán, v.v. vì chính các hoạt động thường ngày này là cơ hội học tự nhiên, thường xuyên nhất, và giúp con tự lập, dễ hòa nhập vào cuộc sống hơn cả việc học đọc, học viết.
9. Gợi ý đồ chơi cho trẻ tại nhà
10. Dạy trẻ biết chơi đa dạng đồ chơi
11. Dạy trẻ biết chơi một mình đúng cách
12. Dạy trẻ chơi trò chơi giải quyết vấn đề