- Các sách
- Sách tự kỷ
Trang Chủ :: Chơi và học :: Dạy trẻ chơi giả vờ
2. Dạy trẻ bắt chước và tham gia
9. Gợi ý đồ chơi cho trẻ tại nhà
10. Dạy trẻ biết chơi đa dạng đồ chơi
11. Dạy trẻ biết chơi một mình đúng cách
12. Dạy trẻ chơi trò chơi giải quyết vấn đề
14. Dạy trẻ biết hiểu và cùng tham gia
17. Dạy trẻ chơi giả vờClip hướng dẫn cha mẹ và cán bộ y tế dạy trẻ chơi giả vờ:
Giới thiệu:
Chơi giả vờ xảy ra khi trẻ biết bắt chước hành động và âm thanh từ sinh hoạt hàng ngày và tưởng tượng tình huống liên quan đến những hoạt động hàng ngày này. Chơi giả vờ cho phép trẻ em sử dụng tính sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ theo những cách mới.
Kỹ năng tiền đề cần có: Để dạy trẻ chơi giả vờ, trẻ cần có khả năng bắt chước một số vận động thô và vận động tinh cơ bản; đã biết chơi hoàn thành (VD: thả hết các vòng vào chồng vòng); đã biết chơi phù hợp chức năng (VD: như đàn/trống để đánh, ô tô để đẩy đi, bóng để ném/thả, thìa để xúc, v.v.)
Cách chơi với trẻ:
Bước 1: Quan sát và bắt chước thế giới xung quanh
- Bắt chước là một điều kiện tiên quyết để phát triển kỹ năng chơi giả vờ.
- Dạy cho trẻ chú ý đến các dấu hiệu, mùi và âm thanh xung quanh trẻ.
- Khi có một chú chó đi qua, bạn có thể bắt chước tiếng sủa của nó và bước đi bằng bốn chân. Khuyến khích con bạn làm tương tự.
- Nếu bạn đang xem một chương trình ti vi có xuất hiện chiếc xe ô tô, con đang ngồi trong lòng bạn, bạn có thể giả vờ giữ tay lái và bắt chước tiếng động cơ ô tô kêu “bờ rừm bờ rừm”, còi “bíp bíp”. Khi đọc truyện về chú gà trống, bạn có thể đưa tay lên mồm giả vờ tạo thành mỏ chú gà, gáy “ò ó o”.
Bước 2: Sử dụng dụng cụ thực tế trong các bối cảnh khác nhau
- Trẻ cần phải tưởng tượng các đồ vật được dùng nhưng trong khung cảnh khác.
- Ví dụ, cha mẹ có thể sử dụng dĩa, thìa trên một cái khay. Diễn tả hành động “giả vờ để ăn” cho đứa trẻ, và sau đó trẻ phải biết giả vờ cho con búp bê hoặc thú nhồi bông ăn.
- Một ví dụ khác, cha mẹ lấy gối của trẻ và yêu cầu trẻ cho gấu teddy đi ngủ.
- Khi trẻ biết trò chơi giả vờ, cha mẹ có thể chuyển sang sử dụng vật khác để thay thế (ví dụ giả vờ lược là điện thoại di động, giả vờ bút chì là thanh gươm).
Bước 3: Tạo bối cảnh và đồ vật để cho trẻ chơi giả vờ
- Cha mẹ đầu tư đồ chơi bếp ăn, trang phục, đồ chơi có bánh xe và đồ chơi mang tính xây dựng cho trẻ.
- Trẻ em có thể dùng đất nặn để làm thực phẩm, giả vờ một máy tính là một nhân viên thu ngân, hoặc giả vờ một hộp thành một chiếc xe lửa.
Bước 4: Kể chuyện
- Đọc truyện cho trẻ sẽ tạo nhiều cơ hội để dạy trẻ chơi giả vờ.
- Cha mẹ có thể tạo ra âm thanh phù hợp với câu chuyện trong khi đọc truyện.
- Cha mẹ cũng có thể diễn vai với trẻ giống như trong truyện.
- Cha mẹ cũng có thể đổi giọng để thay thế nhân vật trong truyện.
Nguồn tài liệu:
High scope [Internet]. Teaching strategies that support pretend play.
Rogers, S. J., & Dawson, G. (2010). Early start Denver model for young children with autism: Promoting language, learning, and engagement. Guilford Press.
Phụ huynh nói gì?
Vì sao trẻ con đều biết chơi giả vờ mà các bé nhà chúng ta lại không? Đó chính là sự thiếu hụt tương tác, và thiếu hụt khả năng hiểu những điều trừu tượng. Con thiếu rất nhiều thứ cần chúng ta phải dạy. Vì sao lại phải dạy bé chơi giả vờ? Vì trò chơi này sẽ phát triển tư duy và học được những phương cách ứng xử xã hội, và những điều đó sẽ giúp con hòa nhập cuộc sống tốt hơn. Trong video, các bạn sẽ thấy cô giáo hướng dẫn bé tùy theo mức độ nhận thức và phát triển của bé. Ở mức độ thấp, bé được giới thiệu các đồ vật và cách chơi, mức độ cao hơn, bé có thể tham gia chơi và nhập vai nhuần nhuyễn. Khi bạn dạy con chơi giả vờ, bạn không cần làm giống những ví dụ trong sách, như là cho búp bê ăn hay chơi nấu ăn. Nếu con bạn là con trai, không thích búp bê và chưa quan tâm đến nấu ăn bao giờ thì dạy rất khó. Bạn hãy chọn nội dung gì gần nhất với cuộc sống thường ngày của con hay thứ gì con thích. Ví dụ như con thích ô tô, chúng ta sẽ đẩy xe đi vờ mua xăng, rồi đi chở vật liệu về xây nhà, chở xong mang xe đi rửa xe v.v...Có nghĩa là bạn chỉ cần làm sao cho con chơi một món đồ và tưởng tượng ra những điều sẽ diễn ra trong thực tế. Tôi rất thành công với Khoai trong kỹ thuật chơi giả vờ. Đến lúc con đã khá rồi, tôi còn may mắn có thêm một trợ thủ đắc lực là cô bé con nhà hàng xóm. Bé có trí tưởng tượng vô biên, lại dịu dàng, kiên nhẫn, rất quí Khoai, cô bé dạy Khoai chơi giả vờ tốt hơn bất cứ người lớn nào, bất cứ cô giáo nào. Tôi trích đăng nhật ký lúc 5,5 tuổi của Khoai kể về những trò chơi giả vờ cùng cô bạn gái này nhé! "...Kỳ này mình xin kể về chuyện bạn gái. Mẹ vốn hay khuyến khích bọn trẻ con sang nhà mình chơi. Phần lớn là con trai, nghịch như giặc, cãi cọ chí choé, chơi toàn siêu nhân, quái thú, mẹ hay lầu bầu lúc phải dọn dẹp chiến trường là "lũ đầu trâu mặt ngựa". Thế nên đến khi có em Tít sang chơi là mẹ quí lắm. Em bé hơn mình một tuổi, tóc dài và quăn như tóc búp bê, béo mũm mĩm, ăn thì như thuồng luồng (sinh nhật mình nó xơi 2 miếng bánh ga-to to đấy), nhưng mà nói năng dịu dàng, nhỏ nhẹ lắm. Em thích trò chuyện, mà nói chuyện với ai cũng nhìn vào tận mắt, kể cả với đứa bơ lơ như mình. Em kiên trì nhắc lại câu nói cho tới khi được đáp lời, và mặt mũi dáng điệu em thì vô cùng biểu cảm. Mẹ cho rằng đấy là cô gái lý tưởng để làm bạn với mình. Mẹ cưng chiều em như hoa như ngọc, toàn gọi em ấy là con. Hôm qua mẹ với em bày lên một cái lều, em thích thú gọi là nhà riêng của con đấy rồi gọi mình chui vào chơi trò ...vợ chồng! Thật là một đứa có sức tưởng tưởng vô biên. Nó trang trí nhà cửa, dọn xoong nồi nấu cơm, bế con búp bê ra làm con, cho con bú tí cứ là ngọt xớt. Rồi gọi mình là "con no rồi đấy, anh bế con đi để em còn dọn dẹp" . Khiếp quá, nó bảo gì thì mình làm thế chứ chẳng hiểu cái quái gì. Nó cứ bảo mình làm con nó đi cho xong! Thế rồi sốt ruột vì thấy mình chẳng có tí sáng kiến nào trong trò chơi vợ chồng, Tít ta quay sang diễn trò mẹ con thật. Mình đồng ý ngay, cho nó làm mẹ, mình làm con, thế cho dễ đóng vai. Mình nằm ườn ra cho nó lau mặt, xúc cơm cho ăn, dỗ dành mắng mỏ linh tinh. Rồi nó bảo mình dậy đi để nó đèo đi học. OK, dậy ngay. Nó đưa mình đến cái giường của mẹ, bảo đấy là trường đấy, chào ông bảo vệ đi (là bố mình), chào cô giáo đi (là mẹ mình), ngoan nhé đừng khóc, chiều mẹ đón về sớm! "Ông bảo vệ" với "cô giáo" cười ngặt nghẽo. Nó lại còn kiễng chân lên hôn chụt cái "thằng con" ngơ ngơ của nó một phát nữa chứ. Mình thì khoái đám con trai hơn, nhưng không tránh khỏi mẹ cứ đạo diễn tình huống cho mình chơi với Tít. Chơi đồ hàng, chơi khám bệnh, chơi xây nhà, chơi gì nó cũng xuất sắc. Thi thoảng nó cũng phát khóc lên vì cái thằng mình, nhưng nói chung là vẫn thích ở tịt nhà mình chơi, mẹ nó gọi ồi ồi nó cũng chả chịu về. Bố mình phải nói là "Con phải về nhà con mà đi ngủ đi chứ, đã cưới xin gì đâu mà ngủ lại đây được!". Mãi nó mới chịu về đấy. Hê hê! Mẹ thì bảo: Một đứa bạn như thế này ngang với một cô giáo tốt đấy A hà, còn chuyện này nữa, xe đạp mình xịt lốp, mình lấy cái bơm ra loạy hoay, nó bảo để nó giữ vòi cho mà bơm. Hai đứa phối hợp cũng làm ổn phết đấy, các bác hàng xóm đi qua cứ cười ngất lên, bảo mẹ ra mà dựng cho hai vợ chồng này cái quán bên đường cho chúng nó bơm xe mà sống" Các bạn nhớ đăng ký vào A365 đọc các chỉ dẫn thêm về chơi giả vờ và xem video nhé. Admin dễ thương của A365 còn thi thoảng gửi email hỏi xem bạn đã áp dụng những gì, con bạn tiến bộ tới đâu. Hãy chia sẻ để làm động lực cho người khác và cho chính mình. Chặng đường sẽ còn xa nhưng cũng sẽ nhiều hy vọng.
Chuyên gia nói gì?
Chơi giả vờ giúp trẻ mở rộng ngôn ngữ và các nhận thức, phát triển sự sáng tạo và tư duy trừu tượng, cũng như giúp các con có thêm cơ hội được tương tác, hòa nhập cùng bạn bè. Bố mẹ nên tận dụng các tình huống chơi và sinh hoạt hàng ngày để thúc đẩy khả năng chơi giả vờ của con. Điều quan trọng là tùy mức độ của trẻ mà bạn chơi ở mức ngang tầm và làm mẫu ở mức cao hơn một chút để giúp con tiến bộ. Thông thường, sau giai đoạn chơi đúng chức năng thì trẻ sẽ phát triển lên chơi giả vờ. Giai đoạn đầu của chơi giả vờ là dùng các đồ vật giống hệt đồ thật để giả vờ (ví dụ như bàn chải đánh răng đồ chơi để đánh răng cho búp bê), sau đó sẽ là dùng các vật có hình dáng tương tự, chẳng hạn như một cái bút để giả vờ làm bàn chải đánh răng, cao hơn nữa là không dùng vật mà có thể dùng chính ngón tay để làm bàn chải đánh răng, và dần đần các em búp bê sẽ có cảm xúc, cá tính do chính con nghĩ ra để đưa vào các trò chơi có kịch bản hẳn hoi. Nương theo các bước này, thì bố mẹ sẽ dần đẩy được con lên, tránh việc làm mẫu ở mức độ quá khó. Ví dụ, nếu con còn chưa biết dùng bàn chải đánh răng đồ chơi để đánh cho búp bê (chơi đúng chức năng), thì bố mẹ không nên làm mẫu ở mức độ quá cao như dùng ngón tay làm bàn chải (chơi giả vờ), vì có thể con chưa hiểu được. Bố mẹ cũng nên khuyến khích anh chị em trong nhà và các bạn cùng chơi giả vờ với con.