- Các sách
- Sách tự kỷ
Trang Chủ :: Chơi và học :: Dạy trẻ chơi giả vờ
2. Dạy trẻ bắt chước và tham gia
9. Gợi ý đồ chơi cho trẻ tại nhà
10. Dạy trẻ biết chơi đa dạng đồ chơi
11. Dạy trẻ biết chơi một mình đúng cách
12. Dạy trẻ chơi trò chơi giải quyết vấn đề
14. Dạy trẻ biết hiểu và cùng tham giaClip hướng dẫn cha mẹ và cán bộ y tế dạy trẻ hiểu và cùng tham gia:
Tại sao việc hiểu và cùng tham gia là những kỹ năng quan trọng?
Các kỹ năng nhận thức giúp trẻ hiểu những gì chúng đọc và nghe được. Chúng ta cần phải hiểu về những gì chúng ta thấy hoặc nghe một cách hợp lý. Kỹ năng “Hiểu và cùng tham gia” thường cần đến hai người, ví dụ, một trẻ nhỏ và một người lớn, cùng chú ý vào một hoạt động. Ví dụ, người lớn có thể cùng trẻ đọc một cuốn sách và cả hai cùng nhìn vào bức tranh mà trẻ đang chỉ vào. Kỹ năng này rất quan trọng trong cuộc sống, chúng ta cần phải cùng nhau chú ý, trao đổi, cũng như cùng chia sẻ đồ chơi, vật dụng.
Kỹ năng tiền đề: Trẻ nghe hiểu được những hiệu lệnh đơn giản như “ngồi xuống”, “lại đây”, “lật sách”, hiểu được những người/đồ vật quen thuộc; có khả năng nhìn theo hướng chỉ tay gần; khả năng chú ý và tham gia.
Trẻ tự kỷ gặp những khó khăn và khác biệt gì liên quan tới kỹ năng hiểu và cùng tham gia với người khác?
- Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc hiểu ngôn ngữ và cần nhiều thơi gian hơn người khác để hiểu những gì chúng nghe thấy và có phản ứng lại.
- Trẻ diễn giải những gì người khác nói hoặc những gì chúng đọc theo nghĩa đen.
- Trẻ cũng gặp khó khăn trong việc hiểu cảm xúc của bản thân và của người khác bằng ngôn ngữ viết hoặc nói.
Chiến lược nào có thể giúp trẻ tự kỷ vượt qua những khó khăn này?
- Tạo không gian cho việc học: Không gian học chỉ có những đồ vật bạn cần cho việc dạy trẻ, hạn chế các đồ vật, đồ chơi làm trẻ mất tập trung.
- Sử dụng một bảng biểu bằng hình ảnh mô tả các hoạt động sẽ cần phải thực hiện để trẻ có thể chuẩn bị trước.
- Chọn một quyển sách hoặc truyện mà trẻ thích. Bạn có thể cho trẻ lựa chọn giữa 2 cuốn bằng cách chỉ cho bạn cuốn mà trẻ muốn đọc. Sử dụng những cuốn sách có thể lật lên để lộ những bức ảnh ở dưới đó hoặc những cuốn sách có những bức ảnh đơn giản trong cùng 1 trang. Trẻ có thể chỉ vào tranh có hình động vật, trang trại, xe cộ, những vật được tô màu khi người lớn đọc tên các vật đó.
- Khi đọc cuốn sách, hãy dừng lại và thường xuyên nói về những gì đang diễn ra trong cuốn sách với đứa trẻ (ví dụ: Teddy tự làm đau chân mình. Tội nghiệp Teddy. Teddy đang buồn. Teddy đang khóc và chỉ tay vào Teddy).
- Nếu trẻ mất tập trung khi đang đọc truyện, hướng sự chú ý của trẻ trở lại cuốn sách bằng cách yêu cầu trẻ nhìn vào trang sách, và chỉ vào trang sách, hoặc yêu cầu trẻ giở sang trang tiếp theo.
- Phóng đại biểu hiện trên khuôn mặt khi đọc truyện cho trẻ nghe, tạo ra các âm thanh hoặc hành động ngộ nghĩnh để minh họa cho câu chuyện, khiến trẻ thích thú hơn.
- Hỏi trẻ xem trẻ có hiểu câu chuyện không. Ví dụ như “Xe ô tô ở đâu?” “Chuyện gì đã xảy ra với Teddy?”
- Khen trẻ hoặc thưởng cho trẻ một miếng dán vì trẻ tập trung đến khi đọc hết truyện. “Đọc xong rồi, chúng ta sẽ chơi trò chơi”.
- Để chắc chắn trẻ hiểu những gì bạn nói, hãy đảm bảo những hướng dẫn của bạn đơn giản và rõ ràng (ví dụ “để cuốn sách lên giá”). Cho trẻ thời gian để nghe, hiểu và có phản ứng lại với các hướng dẫn của bạn.
Phụ huynh nói gì?
Trong video này, các bạn sẽ thấy cô giáo đọc sách cùng trẻ và cố gắng để trẻ tham gia vào việc này. Thực chất là tạo ra một "sự chú ý đồng qui" Chú ý đồng qui là hai người cùng quan tâm tới một thứ trong khi giao tiếp, là kỹ năng mà mọi đứa trẻ đều có một cách tự nhiên, nhưng trẻ tự kỷ thì lại mất. Sự chú ý này thể hiện ngay từ năm đầu đời, trẻ biết nhìn theo hướng tay mẹ chỉ, nhìn theo hướng mắt mẹ nhìn, hoặc trẻ biết chỉ vào thứ gì đó đồng thời với việc dùng mắt để kiểm tra xem mẹ có nhìn vào thứ mà mình đang chỉ không. Sự chú ý đồng qui được hình thành rất tự nhiên và nó trở thành nền tảng của giao tiếp và học hỏi. Chúng ta nhìn theo hướng mà người nói chuyện với ta đưa mắt tới, chúng ta cũng hướng người khác cùng chú ý với ta như vậy, rồi mới bắt đầu trao đổi thông tin. Hầu như tất cả trẻ tự kỷ đều mất kỹ năng này. Nếu chúng ta khôi phục được điều này, chúng ta sẽ làm tốc độ nhận thức của con phát triển rất nhanh và rất tự nhiên. Với tôi và Khoai là như vậy. Tôi chi dành một ít thời gian cho việc nạp các loại thẻ hình và những thứ kiến thức tĩnh. Thời gian còn lại tôi rất tập trung vào việc liên kết con cùng chú ý, cùng tham gia trong bất cứ trò chơi hoặc hoạt động nào. Khi cơ chế đó hình thành rồi thì dạy gì cũng dễ hơn. Trong video, cô giáo vừa đọc sách vừa chỉ vào chữ và hình ảnh trong sách, khuyến khích trẻ theo dõi và tham gia. Cô hỏi trẻ về nội dung vừa đọc trong sách và đề nghị trẻ trả lời hoặc chỉ vào tranh minh họa. Trong cuộc sống ngày thường bạn cũng nên xây dựng sự chú ý đồng qui với con. Nên bắt đầu bằng việc bạn chú ý đến con trước. Con xem tivi, chơi máy tính bạn có thể tham gia cùng, bình luận những nội dung trên tivi, trên máy tính (chỉ tay vào). Tiếp đó đề nghị con chỉ cho mẹ, ví dụ con mèo Tôm nấp đâu nhỉ, con chuột Jerry trốn chỗ nào rồi. Cố gắng giao tiếp mắt với con và xây dựng một sự chú ý chung. Bạn có thể dùng mặt hất hất hay điệu bộ khác của cơ thể để hướng con chú ý đến thứ gì đó. Khi cùng đi đường, hãy chỉ cho con những thứ thú vị, rồi đố con (hoặc nhờ con) tìm/chỉ cho mình các thứ khác (ví dụ: thùng rác chỗ nào nhỉ, mẹ muốn vứt rác). Bạn hãy linh hoạt và tùy vào khả năng hiểu của con mà tập luyện. Nếu con biết chỉ thành thạo nhưng chưa nhìn vào mẹ để xem mẹ đã nhìn thấy thứ mình chỉ chưa, thì vẫn chưa thành công đâu. Ví dụ nếu con chỉ vào thùng rác, nhưng không đưa mắt nhìn bạn để xem bạn đã nhìn thấy thùng rác theo hướng con chỉ chưa, thì bạn cứ thử vờ như vẫn không thấy thùng rác, vẫn đi nhầm sang phía khác và tiếp tục nói thùng rác đâu rồi, để con phải cố gắng thêm để thu hút sự chú ý của mẹ. Nói chung nếu đã có mục tiêu và cái đích rõ ràng của việc tập luyện thì các mẹ sẽ nghĩ ra đủ cách để tập cho con thôi. Bạn hãy tin đi, kỹ năng này rất quan trọng. Luyện được là bạn sẽ dạy được con tiến bộ rất nhanh về nhận thức, mà không mất công nạp thẻ hình. Tóm lại là giống như bạn dạy con phương pháp để học hỏi, sau này con sẽ tự học hỏi.
Chuyên gia nói gì?
Tùy theo độ dài chú ý của con mà bạn chọn sách hay hoạt động có độ dài tương ứng. Với các bé ở giai đoạn mới bắt đầu, bạn có thể tự in những quyển sách ngộ nghĩnh về những nhân vật bé thích, ví dụ như các thành viên trong gia đình bé hoặc tự làm các sách vải trong đó có các hình con có thể lật mở để tìm, hoặc sờ các chất liệu, dán các hình v.v. thì khả năng con tham gia sẽ cao hơn. Các lời thoại cũng nên ngắn gọn như “anh Bi đạp xe”, “mẹ bế Bông”, “sinh nhật ba”. Với các bạn chưa có ngôn ngữ bằng lời, tìm các cách khác nhau để bạn tham gia thay vì chỉ kiểm tra hiểu thông qua các câu hỏi dài, chẳng hạn như “Bông đâu nhỉ?” để con chỉ ảnh con, hay thêm các hoạt động để kéo con tham gia như “con lật trang sách giúp mẹ nào”, “bạn Mèo đau đấy, mình xoa cho bạn nhé”. Khi khả năng tập trung, chú ý và nghe hiểu của con đã tốt hơn, dần lồng vào các nội dung rộng hơn, dài hơn, ví dụ như các câu chuyện xã hội để giúp con hiểu con nên hành xử như thế nào trong các tình huống cụ thể, hoặc các thảo luận câu chuyện mà giúp con hiểu tâm ý người khác, chẳng hạn như, “nếu con là bà của Tích Chu, và thấy Tích Chu không nghe lời mình, con sẽ thấy thế nào?” Thường bố mẹ đọc truyện khi ngồi bên cạnh cùng phía với con, hoặc bé hơn nữa thì bế con ngồi lòng của mình. Nhưng nếu con vẫn chưa có khả năng chú ý theo chỉ tay, ba mẹ nên ngồi đối diện (xem lại chiến lược này trong các chiến lược can thiệp), dùng các sách có hình ảnh rõ ràng, lớn và chỉ tay cho con theo được những hình ảnh đó. Khi ngồi ở vị trí này bạn có thể quan sát xem con có nhìn theo chỉ tay gần và quan sát mức độ chú ý của con để điều chỉnh lại nhịp đọc truyện hoặc các hoạt động cho phù hợp. Ở vị trí này, con cũng dễ chú ý tới các động tác, điệu bộ cường điệu của ba mẹ, chẳng hạn như mẹ làm mặt mệt mỏi khi “thỏ Bông bị ốm”, làm động tác gáy ò ó o của gà trống, chỉ có điều, bố mẹ phải tập đọc ngược trước để lúc đọc từ tư thế này cho con không bị trúc trắc nhé!