- Các sách
- Sách tự kỷ
Trang Chủ :: Chơi và học :: Dạy trẻ chơi giả vờ
2. Dạy trẻ bắt chước và tham gia
9. Gợi ý đồ chơi cho trẻ tại nhà
10. Dạy trẻ biết chơi đa dạng đồ chơi
11. Dạy trẻ biết chơi một mình đúng cách
12. Dạy trẻ chơi trò chơi giải quyết vấn đề
13. Dạy trẻ xếp khối hộpVideo hướng dẫn cha mẹ và cán bộ y tế dạy trẻ xếp khối hộp:
Tại sao kỹ năng xếp khối quan trọng?
Việc sử dụng các khối hộp để ghép thành các vật khác nhau là một trong những cách giúp trẻ rèn luyện khả năng chơi độc lập, đồng thời cũng giúp phát triển các cơ nhỏ trên ngón tay của trẻ hay còn gọi là kỹ năng vận động tinh – các cơ này sẽ hỗ trợ trẻ tham gia vào hoạt động viết, cắt – xé thủ công khi trẻ học mẫu giáo và ở trường học. Đây cũng là cơ hội để tăng khả năng đếm, nhận biết kích thức, màu sắc khi trẻ phải ghép các khối có kích thước và màu sắc khác nhau.
Kỹ năng tiền đề:
Trẻ có khả năng chú ý, đã biết chơi khám phá (đập các đồ vật vào nhau, quan sát, nắn bóp đồ chơi, v.v), thích tương tác với bố mẹ qua các trò chơi xã hội đơn giản như ú òa, có khả năng bắt chước các thao tác đơn giản trên vật
Trẻ tự kỷ có thể gặp những khó khăn hoặc khác biệt nào khi xếp khối hộp?
- Trẻ tự kỷ có thể gặp nhiều khó khăn hơn so với các trẻ khác trong việc cử động, phối hợp các cơ nhỏ trên ngón và bàn tay. Bởi vậy, trẻ tự kỷ có thể cần nhiều thời gian và động viên từ người lớn để phát triển kỹ năng vận động tinh này.
- Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chứng tự kỷ, nhưng trẻ tự kỷ thường ít có khả năng chơi với đồ chơi đúng cách. Dạy trẻ cách chơi với đồ chơi mang tính xây dựng (như chơi xếp hình để tạo thành ngôi nhà, tên lửa và tháp cao) có thể giảm thời gian trẻ chơi không đúng cách, giúp trẻ tập trung để chơi theo nhiều cách khác nhau từ cùng một đồ chơi, từ đó giúp trẻ cải thiện chơi tưởng tượng.
Các chiến lược có thể giúp vượt qua những khó khăn này?
- Làm mẫu cho trẻ cách đặt, xếp chồng các khối hộp lên nhau: nên hạn chế để các đồ chơi khác xung quanh, sẽ làm trẻ mất tập trung.
- Chỉ cho trẻ cách làm từng bước, sau đó mới yêu cầu trẻ làm thử. Sử dụng cụm từ đơn giản để hỗ trợ trẻ (Ví dụ: “Đến lượt mẹ, đến lượt của con”). Khi xây dựng một tòa tháp, cha mẹ có thể nói mỗi khi xếp một khối hộp: “một khối hộp, đặt một khối khác lên trên, đặt thêm khối nữa lên đỉnh, xây cao lên dần”.
- Luôn khuyến khích trẻ – đảm bảo trẻ làm thành công hơn thất bại.
- Khi trẻ quen hơn với trò chơi ghép khối hộp, giảm dần số lần trợ giúp cho trẻ. Điều này sẽ khuyến khích trẻ giải quyết vấn đề và nhớ được cách chơi.
- Xem xem trẻ có thể phá khối hộp hình tháp ra, rồi sau đó ghép lại cái thứ 2 bên cạnh cái tháp đầu tiên không.
- Đa dạng cách chơi của trẻ với khối hộp bằng cách sử dụng khối hộp có màu sắc và hình dạng khác nhau để ghép thành ngôi nhà, tên lửa, xe lửa, hàng rào, cửa ra vào và ngôi nhà.
- Có thể cho trẻ xếp hình từ các vật liệu khác nhau – từ các khối hộp, từ vỏ cát tông đựng trứng và từ hộp giấy ăn.
Phụ huynh nói gì?
Chơi xếp các khối hộp sẽ giúp phát triển vận động tinh, sự khéo léo cũng như óc sáng tạo vô bờ của trẻ. Đây là một video rất đơn giản. Cô giáo khuyến khích trẻ xếp ngọn tháp bằng cách chồng các khối lên nhau cho đến lúc cao quá, tháp đổ ùm. Sau đó cô bắt đầu hướng dẫn chơi theo lượt. Mỗi người lần lượt được lấy một miếng gỗ và xếp tháp của mình. Đây cũng là hình thức chơi song song, và cô có thể nhân đây dạy dần các kỹ năng tùy theo mức độ hiểu của trẻ: xếp khối to xuống dưới, nhỏ lên trên thì tháp vững hơn, chọn màu sắc thế nào cho đẹp, v.v... Thêm một video nữa mà chúng ta thấy, cô giáo không hề ép trẻ nói. Cô chỉ nói chậm, rõ, và đợi trẻ phản hồi. Việc trẻ hiểu và vui vẻ làm theo mới là điều quan trọng. Khi mới bắt đầu chơi, với một đứa trẻ tăng động, thì không dễ dàng như trong video. Con sẽ quơ ném lung tung chẳng nghe lời gì hết. Bạn có thể thử bằng cách tự bạn xếp khối trước, xếp thật cao rồi rủ con ẩy đổ ụp xuống. Phá bao giờ cũng dễ hơn xây, và nếu bạn khéo léo reo hò cổ vũ, bạn sẽ làm cho con thú vị với điều đó. Sau vài lần bạn xây, con phá, bạn hãy thử đổi lượt, bảo con xây cho bạn phá. Con có thể xây tốt ngay, nhưng nếu chưa tốt, bạn cùng xây với con, lần lượt mỗi người đặt một khối. Sau đó cùng phá. Các loại đồ chơi khối hộp rất phong phú và nhiều cách chơi. Bạn có thể nâng dần khả năng sáng tạo của con qua các bộ đồ chơi ngày càng phức tạp hơn. Lớn lên rồi thì chuyển sang lego. Hình như bây giờ còn có những trò chơi xếp và ghép nối "hot" hơn cả lego nữa. Lúc con khéo léo và thích xếp rồi, các mẹ tha hồ tốn tiền. Bây giờ khi cho Khoai đi chơi, tôi thường phải thỏa thuận là chỉ mua một món đồ thôi, nếu không cậu ấy sẽ chọn đồ chơi nhiệt tình dễ sợ. Đau hết cả túi!
Chuyên gia nói gì?
Ý kiến của nhà chuyên môn: Khi chơi với trẻ, bố mẹ nên đóng vai trò là một “người bạn chơi” cùng con thay vì một người đưa ra các yêu cầu “con đặt vào đây”, “lấy cái màu xanh”, v.v. Vai trò đó khiến trò chơi vui hơn thay vì biến trò chơi thành một mà con phải làm theo yêu cầu của bố mẹ. Bố mẹ chỉ là người cùng chơi và làm mẫu các cách chơi, khiến trò chơi vui và sinh động, và dùng các từ đơn giản để mô tả bố mẹ đang làm gì, ý tưởng xây dựng ra sao để thúc đẩy khả năng nghe hiểu và xây dựng vốn ngôn từ cho con. Vai trò này cũng giúp con dễ dàng hơn khi chơi cùng các bạn, vì sẽ các bạn sẽ không chơi kiểu ra lệnh như vậy đâu đúng không nào? Nếu con xem trò chơi như một phần việc và cứ cần ai đó phải nhắc con cần làm gì, làm thế nào, thì các con sẽ bị lệ thuộc vào lời nhắc, giảm bớt tính chủ động, và đương nhiên là đánh mất sự sáng tạo của mình. Ngoài ra, lựa chọn đồ chơi hợp sở thích và phù hợp với mức phát triển của con là rất quan trọng. Nếu vận động tinh của con chỉ ở mức 2 tuổi, mà bạn mua đồ Lego 4 tuổi thì khả năng cao là con sẽ cáu, vì đồ chơi ở mức đó có chi tiết nhỏ hơn, phức tạp hơn và khó khăn hơn cho con lắp ghép.