Trang Chủ :: Ngắn gọn chậm rãi :: Ngắn gọn chậm rãi
1. Ngắn gọn chậm rãi

- Sử dụng ngôn ngữ đơn giản, ngắn gọn, cô đọng

- Cho trẻ thời gian để phản hồi: 10-30 giây

- Cha mẹ đưa chỉ dẫn rõ ràng

- Sử dụng ngôn ngữ cơ thể, nét mặt để cường điệu cảm giác

- Tránh những hành động/những câu tiêu cực

- Sử dụng giọng điệu rõ ràng, ôn hòa

Giữ ngôn ngữ thật ngắn gọn: Sử dụng ngôn ngữ ngắn gọn là sử dụng những ngôn từ tương đối đơn giản. Bạn hãy rút gọn những câu dài thành một, hai hoặc ba từ, và hãy sử dụng sự hiểu biết của bạn về con mình, để tìm ra cách diễn đạt nào tốt nhất. [1] Ví dụ: Đừng nói: “Nào, bây giờ mình hãy đặt cái khối hình màu đỏ xinh xinh này lên cái khối xanh kia nào”. Hãy nói: “Con đặt cái đỏ lên trên”.

Luôn chậm rãi để chờ trẻ phản hồi trong khoảng thời gian từ 10 đến 30 giây: Khi đưa ra một lời hướng dẫn như “Bống, cái cốc”, bạn hãy chờ trong khoảng 10 giây, bạn có thể đếm nhẩm từ 1 đến 10. Đó là thời gian cho trẻ xử lý thông tin bạn nói và thực hiện theo chỉ dẫn của bạn. Nếu sau đó, bạn cảm thấy trẻ vẫn chưa hiểu, bạn hãy lặp lại lời hướng dẫn, hoặc diễn đạt lại cho dễ hiểu hơn, và lại nhẩm đếm từ 1 đến 10. Bạn hãy cố gắng làm chậm hơn nhịp điệu thông thường của bạn, trẻ sẽ hiểu rõ hơn thông điệp của bạn và hiểu bạn đang yêu cầu trẻ làm gì.

Cha mẹ đưa chỉ dẫn rõ ràng: Bạn hãy cố gắng gợi ý cho trẻ hiểu được bạn. Ví dụ nếu bạn hỏi “Con có muốn uống nước không” mà trẻ không hiểu, bạn hãy vừa nói vừa cầm cốc nước lên. Lúc đầu có thể bạn thấy khó khăn, nhưng rồi bạn sẽ quen và luôn nghĩ ra các cách gợi ý khác nhau cho trẻ hiểu. Hoặc bạn có thể gợi ý cho trẻ bằng cách sử dụng các bức ảnh, các biểu tượng minh họa. Ví dụ, bạn có thể dùng những bức tranh mô tả lịch trình đi tắm, giờ kể chuyện, giờ đánh răng và giờ đi ngủ. Bạn hãy sử dụng những bức ảnh này trong thời gian dài cho đến khi trẻ có được thói quen đi ngủ đúng giờ và thực hiện đều đặn mỗi ngày. Khi trẻ đã hiểu và tạo thành thói quen, cha mẹ có thể bỏ các bức tranh đi.

Sử dụng ngôn ngữ cơ thể, nét mặt để cường điệu cảm giác và cảm xúc: Trẻ tự kỷ kém nhạy cảm với cảm giác và cảm xúc của người khác. Bạn hãy thể hiện những cảm giác, cảm xúc của bạn thật rõ ràng trong từng cử chỉ và nét mặt. Ví dụ, bạn xuýt xoa khi sờ vào đá lạnh, cười to và reo vui khi trẻ làm đúng một yêu cầu nào đó...

Tránh những hành động, những câu nói tiêu cực: Bạn không nên phản đối ngay lập tức hoặc chê khi trẻ nói hoặc làm sai. Ví dụ khi bạn dạy trẻ nói “bóng”, trẻ có thể chỉ phát âm “bín”. Bạn nên nói: “Đúng rồi, bóng” (nhấn mạnh rõ vào chữ BÓNG) và đưa bóng cho trẻ, trẻ sẽ dần dần phát âm đúng trong những lần sau. Bạn không nên nói: “Ôi sai rồi, con nói lại đi, bóng chứ”. Trẻ sẽ mất tự tin khi bị yêu cầu nói đi nói lại nhiều lần. Bạn cũng không nên trêu chọc “ê ê sai rồi” khi trẻ làm sai, ví dụ như mặc ngược áo chẳng hạn. Bạn hãy khen trẻ ngoan và đã cố gắng, rồi hướng dẫn lại từ đầu cho trẻ.

Sử dụng giọng điệu rõ ràng, ôn hòa: Bạn hãy đối xử ân cần với trẻ, tạo cho trẻ cảm giác an toàn, được bạn quan tâm và yêu quí. Những giờ học không nên biến thành những cuộc chiến, ép buộc trẻ phải hoàn thành nhiệm vụ. Trẻ và cả bạn sẽ mệt mỏi và không còn hứng thú với việc học tập.

Tài liệu tham khảo:

Keen D, Rodger S, Braithwaite M. Being responsive: You and your child with autism [DVD]. University of Queensland School of Education. 2004


LIÊN HỆ
+84-972 404 794
+84-972 404 794
quyet_0350_bk
quyetdvq
TƯ VẤN KHÓA HỌC