Trang Chủ :: Chơi theo lượt :: Chơi theo lượt
1. Chơi theo lượt

- Học kỹ năng đợi là cơ sở để học tiếp kỹ năng chơi theo lượt.

- Để tới lượt mình, trẻ cần đợi người khác kết thúc.

- Cha mẹ sử dụng đồ chơi mà trẻ thích để giúp trẻ học kỹ năng chơi theo lượt.

- Khi chơi, cha mẹ nói với trẻ “Lượt của mẹ, lượt của con”.

- Cha mẹ đếm 1 2 3 để cho trẻ đợi, rồi tăng dần thời gian đợi.

Chờ đến lượt là một thói quen mà chúng ta thực hiện hàng ngày khi tương tác với những người khác, nhưng trẻ tự kỷ lại gặp khó khăn với kỹ năng này. Cha mẹ và chuyên gia đưa ra một số gợi ý giúp bạn dạy con kỹ năng này. Khi muốn dạy trẻ biết chơi theo lượt, điều quan trọng là lựa chọn trò chơi hay hoạt động yêu thích của trẻ để tạo nhiều cơ hội cho trẻ rèn luyện thói quen chờ đến lượt của mình.

Một cách để giúp trẻ dễ dàng luyện kỹ năng chơi theo lượt, là ban đầu cho trẻ một lượt chơi thật dài, với khoảng thời gian đợi thật ngắn, để trẻ không cần phải đợi quá lâu trước khi được chơi tiếp. Dần dần bạn có thể tăng khoảng thời gian chờ đợi lên, cho đến khi bạn và trẻ sẽ có những lượt chơi và đợi trong khoảng thời gian tương đương nhau. [1]

Thông thường trẻ khoảng 6 tới 12 tháng là biết chơi theo lượt. Chơi theo lượt là một kỹ năng xã hội bao gồm nhiều kỹ năng như bắt chước, chờ đợi tới lượt của mình, chia sẻ và tương tác qua lại. Điều này đặc biệt phức tạp với trẻ tự kỷ. Chơi theo lượt cũng vô cùng quan trọng trong các tình huống ở trường, ngay cả nói chuyện với nhau cũng cần biết chờ người khác nói rồi đến lượt mình nói. Những trẻ không thể chia sẻ và chơi theo lượt sẽ gặp khó khăn khi tương tác với bạn bè, vì điều đó thường làm hạn chế các cuộc nói chuyện.

Cha mẹ là những người phù hợp nhất để dạy con cùng tham gia vào một trò chơi nhưng phải chơi luận phiên và chờ đến lượt chơi của mình. Để có kết quả tốt, cha mẹ nên tập trung vào các trò chơi hợp sở thích và gây được hứng thú của trẻ. Ví dụ, một người mẹ ngồi cùng con trai ở trên sàn. Cậu bé đặt chiếc ô tô lên trên một cái ván trượt dốc, và thả tay ra để xe chạy trên ván trượt. Mẹ của cậu có thể nhặt xe sau khi để trẻ chơi một vài lần, và nói “Đến lượt mẹ!,” và bắt chước trẻ chơi như vậy. Khi xe chạm xuống mặt sàn, mẹ có thể nhặt xe đưa cho cậu bé và nói: “Đến lượt con.” Lúc đầu, mẹ chỉ nên làm điều này một vài lần xen kẽ và làm thật nhanh, để cho cậu bé không phải chờ đợi quá nhiều và có nhiều lượt chơi hơn mẹ. Dần dần, lượng thời gian chờ đợi có thể tăng lên và số lượt mẹ chơi cũng tăng dần lên. Một khi chu trình này đã được thiết lập, có thể rủ chị hay em của cậu bé cùng tham gia chơi theo lượt để có được sự tương tác thành công giữa cả hai đứa trẻ.

Nếu lần tiên dạy trẻ kỹ năng chơi theo lượt, không nên để hai trẻ cùng tuổi chơi với nhau, bởi trẻ con cùng tuổi khó nhường nhịn nhau. Kỹ năng này có thể được kết hợp vào các tình huống tự nhiên khi trẻ đang tham gia các hoạt động yêu thích, và có thể dùng các hình ảnh để gợi ý tới lượt của ai, và hỗ trợ trẻ để biết lúc nào là tới lượt mình và lúc nào thì nên chờ đợi. [2 p 112].

Chia sẻ của một người cha về việc chơi theo lượt

Tôi nghĩ là chúng tôi đã có tiến bộ trong việc chơi theo lượt, chỉ bằng cách tập đi tập lại cùng nhau. Một điều rất quan trọng là cha/mẹ phải nỗ lực để trẻ hiểu rằng nếu trẻ biết đợi trong một khoảng thời gian ngắn thì sẽ tới lượt của chúng. Ví dụ, cả hai đứa trẻ (Peter-trẻ tự kỷ và chị của Peter) đều thích nghe kể chuyện. Nhưng chúng lại muốn cha/mẹ chỉ đọc truyện cho riêng mình thôi, còn cha/mẹ thì không thể đọc cho cả 2 con nghe cùng lúc. Vì vậy chúng ta phải kiên quyết lập ra một lịch trình, trước hết bố sẽ đọc truyện cho Cathy và sau đó sẽ tới lượt Peter. Thật lòng mà nói, rất khó để có thể truyền tải bài học này cho trẻ tự kỷ, nhưng tôi nghĩ là chúng tôi đang bắt đầu thấy sự thay đổi. Bây giờ Peter hiểu rằng nếu cháu ngồi im và chờ đợi kiên nhẫn thì cũng sẽ tới lượt của mình. (Chia sẻ của anh Paul, bố của Peter)

Tài liệu tham khảo:

  1. Keen D, Rodger S, Braithwaite M. Being responsive: You and your child with autism [DVD]. University of Queensland School of Education. 2004.
  2. Keen D, Rodger S. Working with parents of a newly diagnosed child with an Autism Spectrum Disorder. London, UK: Jessica Kingsley Publishers. 2012.

LIÊN HỆ
+84-972 404 794
+84-972 404 794
quyet_0350_bk
quyetdvq
TƯ VẤN KHÓA HỌC