Trang Chủ :: Làm theo và tham gia :: Làm theo và tham gia
1. Làm theo và tham gia

Cho phép trẻ đóng vai trò dẫn dắt trong khi chơi có thể là nền tảng giúp trẻ tự kỷ cải thiện kỹ năng giao tiếp xã hội. Thay cho việc yêu cầu trẻ làm theo chỉ dẫn, người chơi có thể đi theo sự dẫn dắt của trẻ để cải thiện sự tham gia của trẻ trong các trò chơi tương tác’ [1]. Nếu trẻ quan tâm và hứng thú với hoạt động, trẻ sẽ tập trung hơn.Trẻ có thể giao tiếp qua lại và gắn bó hơn với người cùng chơi khi trẻ thích thú.

Các bước để thực hiện kỹ thuật này bao gồm:

- Xác định sở thích của trẻ, ví dụ như trẻ thích đồ chơi nào, trò chơi gì, loại sách gì...

- Làm theo sự dẫn dắt của trẻ, bắt chước và chơi cùng trẻ

- Tăng cường kết nối và phát triển mối quan hệ với trẻ

- Xây dựng giao tiếp mang tính chức năng (hỏi đáp, chia sẻ...)

Vấn đề chính trong kỹ thuật “Làm theo và tham gia” là chúng ta sẽ quan tâm hơn tới những cơ hội để được tương tác với trẻ, và sử dụng cơ hội này để khuyến khích trẻ thực sự giao tiếp và tương tác với bạn. Vì vậy, bản thân hoạt động thì không quá quan trọng. Nếu trẻ hứng thú với việc gì đó có vẻ không mang tính giáo dục lắm, bạn cũng không cần quá bận tâm, bởi mục đích cuối cùng của “Làm theo và tham gia” là tận dụng hoạt động này như một cơ hội để kết nối với trẻ và sử dụng nó để phát triển kỹ năng giao tiếp và hòa nhập với xã hội của trẻ [2]

Trẻ tự kỷ thích chơi một mình và/hoặc chơi các trò chơi kích thích giác quan như vẫy tay, gặm cắn đồ chơi, quay bánh xe, chạy vòng vòng. Trẻ rất khó tham gia vào các trò chơi tương tác như những đứa trẻ khác. Lúc đầu, trẻ cũng không thích bạn tham dự vào trò chơi riêng của trẻ. Điều quan trọng bạn cần làm là nương theo sự dẫn dắt của trẻ. Nếu bạn có thể tham gia vào bất cứ hoạt động ưa thích nào của trẻ, dần dần trẻ cũng sẽ học được rằng chơi với bạn thậm chí còn vui hơn là chơi một mình [1]. Một số ví dụ:

- Trẻ thích chạy xung quanh, thì chúng ta có thể tạo thành trò chơi tương tác bằng cách chặn trẻ trên đường chạy của trẻ, bắt trẻ và cù, hoặc ôm trẻ tuỳ theo kiểu mà trẻ thích. Có thể tạo ra một vài chướng ngại vật ở sân. Điều đó giúp trẻ vừa làm được điều trẻ thích (chạy) trong khi lại có thể có sự tham gia thêm của các thành viên trong gia đình.

- Nếu trẻ thích việc đổ đồ vật ra khỏi hộp chứa, hoặc xem đồ vật rơi, bạn có thể biến chúng thành trò chơi tương tác bằng cách bắt đồ vật khi nó bị đổ hoặc dùng rổ để hứng quả bóng rơi. Bằng cách đó bạn có thể tham gia vào và giúp trẻ trở nên hứng thú hơn với trò chơi và chơi đúng chức năng hơn trong trò chơi với bóng. Đồng thời trong khi chơi bóng, bạn cũng có thể hát một bài hát có liên quan đến quả bóng rơi.

- Nếu con bạn thích xếp đồ chơi thành hàng dài, bạn có thể trở thành một phần trong trò chơi của trẻ bằng cách đưa trẻ từng đồ vật một để trẻ xếp hàng. Khi làm như vậy trẻ sẽ học cách xin đồ, hoặc nhìn bạn để bạn đưa đồ vật cho con.

Tài liệu tham khảo:

  1. Autism Spectrum, 2013, A how to guide for developing play skills for children with autism Spectrum Disorder.
  2. Keen D, Rodger S, Braithwaite M. Being responsive: You and your child with autism [DVD], 2004. University of Queensland School of Education.

LIÊN HỆ
+84-972 404 794
+84-972 404 794
quyet_0350_bk
quyetdvq
TƯ VẤN KHÓA HỌC