- Các sách
- Sách tự kỷ
Trang Chủ :: Điều tiết cảm xúc :: Thông tin chung
1. Đối phó với các vấn đề cảm giác
2. Dạy trẻ về xoa dịu và an ủi
4. Dạy trẻ hiểu các trạng thái cảm xúcClip hướng dẫn cha mẹ và cán bộ y tế dạy trẻ hiểu các trạng thái cảm xúc:
Tại sao việc hiểu và ứng phó với các cảm xúc lại quan trọng?
Dạy trẻ hiểu các cảm xúc là điều quan trọng vì khi trẻ biết mình đang cảm thấy như thế nào thì trẻ có thể biết cách ứng xử phù hợp trong các tình huống nhất định.
Khi hiểu cảm xúc của người khác và biết mình đang cảm thấy như thế nào, trẻ có thể phát triển sự cảm thông và quản lý các mối quan hệ với bạn bè, giáo viên và các thành viên trong gia đình. Kỹ năng này là rất quan trọng cho tương lai của trẻ khi bắt đầu công việc và phải quản lý các mối quan hệ xã hội phức tạp hơn với chủ lao động cũng như với đồng nghiệp.
Trẻ tự kỷ có thể gặp phải những thách thức và khó khăn nào trong việc hiểu và ứng phó với các cảm xúc?
- Trẻ tự kỷ khó xác định các cảm xúc của mình, ứng phó với các cảm xúc đó, kiểm soát và chia sẻ cảm xúc với người khác.
- Trẻ cũng khó khăn trong việc hiểu các cảm xúc, nét mặt và ngôn ngữ cơ thể của người khác.
- Trẻ khó hiểu rằng người khác có những suy nghĩ và cảm xúc khác với mình. Vì thế, trẻ có thể coi mình là trung tâm, chỉ coi trọng bản thân hoặc vô cảm.
- Khó dự đoán những điều người khác có thể nói và làm trong các tình huống khác nhau.
Những chiến lược có thể giúp trẻ vượt qua những thách thức này là gì?
Dạy trẻ về các cảm xúc của mình và của những người khác
- Liên kết từng cảm xúc với những điều có thể nhìn thấy được (thông qua nét mặt hoặc ngôn ngữ cơ thể). Ví dụ cười nghĩa là vui vẻ, cau mày và đặt tay lên hông nghĩa là tức giận, miệng trùng xuống và khóc nghĩa là buồn
+ Sử dụng các hình ảnh màu, có phác thảo rõ ràng và ít chi tiết để làm cho lời giải thích càng đơn giản và cụ thể càng tốt
- Nên mô tả tình huống để trẻ có thể cảm thấy cảm xúc đó (tình huống đơn giản). Ví dụ: Charlie bị ngã và đau đầu gối, cậu ấy khóc, cậu ấy buồn. Charlie cần một miếng băng dán vết thương, một cái ôm và cậu ấy sẽ cảm thấy tốt hơn.
- Khuyến khích trẻ gán nhãn những gì chúng đang cảm thấy. Ví dụ, “Bạn đang khóc vì bạn đang buồn.” Yêu cầu trẻ nói về điều trẻ nghĩ làm cho chúng buồn. Hoặc nếu trẻ chưa biết nhiều từ thì giúp trẻ gán nhãn. Bạn bị ngã và bị đau. Bây giờ bạn đang buồn.
- Khi thể hiện các cảm xúc khác nhau với trẻ, cô giáo hoặc gia đình nên cường điệu nét mặt và ngôn ngữ cơ thể để giúp trẻ hiểu rõ hơn các cảm xúc đó.
- Luôn công nhận các nỗ lực của trẻ khi trẻ nhận biết và hiểu cảm xúc của chính bản thân và của những người khác.
- Tạo các cơ hội để thảo luận về các cảm giác và cảm xúc trong các tình huống hàng ngày.
- Đọc truyện để giúp trẻ hiểu hơn về các cảm xúc của bản thân và cải thiện sự nhận biết của trẻ về các trạng thái cảm xúc.
Dạy trẻ cách ứng phó với những cảm xúc của mình:
- Xây dựng các câu chuyện xã hội có kịch bản rõ ràng để thể hiện một tình huống nhất định. Có thể nghĩ ra kịch bản hoặc diễn tả lại một tình huống đã xảy ra để giúp trẻ dự đoán được điều sẽ xảy ra.
- Sử dụng các hình ảnh trực quan để giải thích cách ứng phó với các cảm xúc cụ thể.
– Ví dụ 1: nếu tôi cảm thấy buồn, tôi có thể làm gì đó khiến tôi cảm thấy tốt hơn (ví dụ như xem video yêu thích, đi tắm nước ấm, đi chơi công viên gần đó)
– Ví dụ 2: nếu tôi cảm thấy tức giận, tôi để tay sát bên cạnh người, hít một hơi thật sâu và đếm đến 10
– Ví dụ 3: Làm thế nào chúng ta biết ai đó đang vui? Họ cười. Tôi có thể làm gì? Tôi cười lại với họ.
- Các trình tự diễn biến cảm xúc này cần phải chính xác, có thể sử dụng các hình ảnh cụ thể và từ ngữ đơn giản.
– Cần có các dụng cụ trực quan để hỗ trợ trẻ, ví dụ như Hình ảnh, biểu tượng, bản đồ, hình vẽ.
- Làm mẫu cho trẻ sử dụng các cụm từ và cách ứng xử phù hợp nếu trẻ không biết cách phản ứng trong các tình huống như thế nào để tránh lo lắng. Ví dụ. “Xin giúp đỡ”
Phụ huynh nói gì?
Đây là một nội dung khó, rất khó. Trẻ tự kỷ thường bị nhầm là lạnh lùng, không có cảm xúc. Lúc nhỏ có trẻ thờ ơ không gắn bó với bố mẹ mình, chả cần vỗ về ôm ấp, mẹ đi làm không quyến luyến, mẹ về cũng chả vui mừng. Có trẻ thì quá quấn mẹ, nhưng quấn theo kiểu nhút nhát sợ hãi, rời mẹ cảm thấy không an toàn, chứ không tỏ vẻ yêu thương. Nhưng thực ra không phải như vậy. Trẻ tự kỷ cũng có nội tâm và cảm xúc như mọi người bình thường khác. Nhưng cùng với việc mất kênh giao tiếp, bé cũng không biết cách thể hiện, không hiểu được cảm xúc của người khác, không biết trạng thái cảm xúc của chính mình. Đó là một khó khăn cực kỳ lớn cho trẻ, khi trẻ đến tuổi trưởng thành. Nếu không được dạy về cảm xúc từ nhỏ, người tự kỷ dễ bị coi là đối tượng khó ưa, xa cách... Thông thường những người chậm phát triển trí tuệ (ví dụ như hội chứng Down) lại rất tình cảm nên dễ được yêu quí giúp đỡ, còn người tự kỷ thì đơn độc, khó duy trì được sự cảm thông và yêu mến của mọi người. Nếu kiên trì dạy trẻ về cảm xúc từ nhỏ, bạn có thể cải thiện được rất nhiều. Cách phổ biến để trẻ nhận biết, gọi tên các trạng thái cảm xúc là dùng hình ảnh những khuôn mặt vui, buồn, giận... để cho bé hiểu. Video của A365 cũng dạy theo cách này. Cô giáo dùng một tấm trải màu xanh để các bức hình nổi bật lên, cô đặt từng bức xuống và trò chuyện với trẻ về trạng thái của người trong hình. Đồng thời cô cũng biểu diễn trên khuôn mặt mình những trạng thái cảm xúc tương đương để trẻ nhận biết. Đó là một cách dạy tĩnh, để nạp nhận thức cho trẻ. Ngoài ra bạn có thể sử dụng những cách thức sau đối với trẻ đã có nhận thức tương đối và có chút ít ngôn ngữ: - Mô tả cảm xúc hiện tại của con và của những người khác trong gia đình: con mệt, mặt nhăn lại kìa; Bố cáu kìa, vì đội bóng thua... - Lựa chọn những truyện tranh đọc cho con nghe, nhấn mạnh những biểu hiện cảm xúc, có nghĩa là mình như một diễn viên ấy, vừa đọc vừa diễn kịch luôn. - Ngồi xem tivi cùng con và mô tả trạng thái cảm xúc của những nhân vật trong phim (nói ngắn và nhấn mạnh), ví dụ: Mèo Tôm thua rồi, đang buồn đấy, Chuột Jerry chạy trốn được rồi, nó vui quá... - Cùng hát và làm động tác những bài hát có cảm xúc, ví dụ như: "Này bạn ơi khi ta đang vui thì hoan hô..." Bạn đừng lo con không hiểu những gì bạn nói. Nhìn thì có vẻ như vậy đấy, nhưng thực ra trẻ con bao giờ cũng hiểu hơn nhiều cái vẻ mà nó thể hiện ra. Bạn cứ tiếp tục, đừng tìm cách kiểm tra con hiểu hay không. Đến một lúc nào đó, con sẽ đáp trả bạn và bạn sẽ thấy vô cùng bất ngờ và hạnh phúc. Vài cách "độc" của mẹ Mai: - Có hôm mẹ buồn, khóc, Khoai đi qua thấy lạ dừng lại dòm dòm vào mặt mẹ. Thế là mẹ chả buồn giấu, cầm tay con chạm lên nước mắt mẹ, tranh thủ dạy luôn: buồn, khóc, nước mắt. Con xoa xoa ra chiều hiểu, mẹ cười, mẹ vui rồi, mẹ hết buồn rồi (chị Tường Anh bên website Con của mẹ từng khen: "Bài học đẹp quá") - Dùng tiếng kêu và biểu cảm của con mèo để dạy. Con mèo chỉ có tiếng meo meo, gừ gừ thôi mà thế hiện nhiều cung bậc lắm: giận dữ, nũng nịu, đói, sốt ruột... Lúc bị lạc mất con nó kêu rất thảm thiết. Mình hay hỏi, mèo đang sao thế con. Khoai dần dần trả lời đúng hết. Bây giờ lớn rồi, con rất nhạy cảm và yêu thương mẹ. Các bạn nhớ vào www.a365.vn để theo dõi video, đọc hướng dẫn và thông tin thêm dưới các video, và đánh giá sự tiến bộ của con sau khi áp dụng can thiệp nhé.