- Các sách
- Sách tự kỷ
Trang Chủ :: Điều tiết cảm xúc :: Thông tin chung
1. Đối phó với các vấn đề cảm giác
2. Dạy trẻ về xoa dịu và an ủi
4. Dạy trẻ hiểu các trạng thái cảm xúc
5. Dạy trẻ biết không tự làm đau bản thân
6. Dạy trẻ biết giữ bình tĩnh
Giới thiệu:
Trẻ tự kỷ thường khó giữ bình tĩnh vì nhiều lí do khác nhau. Đôi khi do trẻ không thể thích ứng với những thay đổi về thói quen, hoặc trẻ bị quá tải bởi những tình huống mới. Những điều này dẫn đến những cơn giận dữ thường xuyên và các hành vi tự kích thích. Điều quan trọng là cha mẹ phải hiểu được nguyên nhân sâu xa của những hành vi này, giữ cho trẻ bình tĩnh để đáp ứng với trẻ một cách có kế hoạch.
Cách dạy trẻ giữ bình tĩnh:
Hiểu nguyên nhân dẫn đến hành vi của trẻ
- Trẻ tìm cách né tránh nhiệm vụ – trẻ không muốn làm điều gì đó mà người lớn yêu cầu.
- Trẻ thất bại trong giao tiếp – trẻ không thể diễn tả được những gì trẻ muốn.
- Trẻ không chấp nhận khi người khác nói “Không” – Trẻ muốn những thứ mà mẹ không cho trẻ.
- Trẻ bị quá tải về cảm giác – Trẻ bị áp lực bởi môi trường xung quanh.
Hướng giải quyết khi trẻ né tránh việc được giao
- Bạn cần xem xét việc đó có phù hợp không. Có thể điều chỉnh để khiến nhiệm vụ trở nên vui thích hơn với trẻ, hoặc chia nhỏ nhiệm vụ hay giảm yêu cầu để đảm bảo trẻ có thể thực hiện được phần lớn, chỉ cần bạn hỗ trợ thêm một chút. Chẳng hạn, nếu là bài tập tô tranh có thể chọn các hình con thích để bắt đầu (con thích ô tô thì cho tô hình ô tô), với hoạt động dọn đồ chơi thì có thể thi nhanh tay nhanh mắt để dọn đồ. Nếu là bài tập về nhà quá nhiều thì chia nhỏ, cho con được nghỉ sau khi hoàn thành từng phần, v.v.
- Khi đã đảm bảo là nhiệm vụ vừa sức trẻ mà trẻ vẫn né tránh thì bạn cho trẻ một hoặc hai phút để bình tĩnh lại và ngay lập tức lại nhắc trẻ thực hiện công việc được giao, có thể tăng hỗ trợ để trẻ hoàn thành. Khen thưởng trẻ cho những lần trẻ tự hoàn thành nhiệm vụ.
Nếu trẻ thất bại trong giao tiếp
- Dạy trẻ những cách thức phù hợp để diễn tả những gì trẻ cần.
- Với trẻ chưa có lời nói, cha mẹ giao tiếp với trẻ bằng tranh.
- Dạy trẻ về những cảm xúc khác nhau để trẻ có thể học được khái niệm “bình tĩnh lại”.
Nếu trẻ khó chấp nhận khi người khác nói “không”
- Cha mẹ là người có quyền đối với đứa trẻ. Nếu cha hoặc mẹ nói “không” thì chúng ta phải nhất quán trong việc thể hiện để trẻ hiểu rằng điều đó có nghĩa là “không”. Đây là một khái niệm quan trọng, đặc biệt là đối với sự an toàn của trẻ. VD: không chạm ổ điện, không tự ý chạy ra đường, không leo trèo cửa sổ, v.v.
- Đối với những hoạt động có thể dự đoán trước, nên cho trẻ biết để trẻ chuẩn bị tâm lý và dễ chấp nhận hơn, ví dụ: Con ơi, còn 5 phút nữa là dừng chơi để ăn cơm. Khi 5 phút qua đi, dứt khoát yêu cầu trẻ dừng chơi, không chấp nhận trẻ kỳ kèo mè nheo.
- Trẻ có thể khóc hoặc cáu giận nếu bạn nói “không” với chúng, tuy nhiên chúng ta cần phớt lờ những hành vi đó của trẻ và chuyển hướng cho trẻ sang các hoạt động phù hợp khác mà trẻ chấp nhận thực hiện.
Nếu trẻ bị quá tải về giác quan
- Sự quá tải về giác quan xảy ra khi đứa trẻ bị choáng ngợp bởi hình ảnh, âm thanh, mùi vị hay các chuyển động trong môi trường. Thường thì trẻ cần phải ra khỏi môi trường đó nếu không trẻ có thể tự gây tổn thương cho chính bản thân mình.
- Những điều này có thể được phòng tránh bằng cách phán đoán những dấu hiệu thể hiện sự quá tải về giác quan của trẻ: những biểu hiện bất ngờ, khác thường về hành vi của trẻ; từ chối tham gia các hoạt động, khó khăn trong việc tập trung hoặc duy trì hoạt động; không đáp lại các hoạt động chơi.
- Một khi bạn đã nhận ra rằng đứa trẻ bắt đầu trở nên quá tải bởi môi trường xung quanh chúng, bạn cần đưa trẻ đến một không gian yên tĩnh trong phòng, động viên trẻ hít thở sâu 20 lần. Trẻ có thể cũng cần mát xa hay nắn bóp để cơ thể trẻ dịu lại. Cha mẹ có thể khẽ nói với trẻ để chuẩn bị cho trẻ trước khi quay trở lại môi trường.
- Cha mẹ có thể nói: “Con bình tĩnh lại rất tốt. Chúng ta sẽ ở lại bữa tiệc thêm 5 phút nữa, chúng ta sẽ đi quanh phòng. Khi nào xong thì chúng ta sẽ trở về nhà”.
- Để phòng tránh, khi bạn đã hiểu các nhu cầu giác quan của con, thì có thể cung cấp các dụng cụ hỗ trợ như bịt tai trong trường hợp con sợ tiếng ồn, đội mũ rộng vành nếu con sợ ánh sáng, v.v. Một số nhu cầu giác quan thì có thể giúp con giảm mẫn cảm để con thích nghi tốt hơn, bằng cách cho con tiếp xúc một ít, rồi khi con quen và thấy an toàn có thể dần tăng lên.
Nguồn tài liệu:
Stornelli JL. Occupational therapy practitioners. Self-injurious Behaviors in Children with Autism. Sensory issues aren’t the only factors that may be at work. 2012.
North shore pediatric therapy. Sensory overload.
Phụ huynh nói gì?
Chúng ta hãy quay trở lại thời điểm bắt đầu của hầu hết chúng ta. Đó là lúc con còn nhỏ, chưa có ngôn ngữ, hay gào khóc, bất hợp tác, bản thân chúng ta cũng bối rối và căng thẳng không biết phải làm gì. Giữ bình tĩnh và dịu lại, cho cả mẹ cả con, chúng ta mới có thể nhận ra con đường mình phải đi. Nó rất dài và ta phải dắt con đi rất chậm. Giữ bình tĩnh là sự vỗ về yêu thương hoặc đưa trẻ vào không gian yên tĩnh để trẻ dịu lại và giới thiệu một trò chơi mới. Chúng ta cần tránh không cho trẻ thứ trẻ muốn khi trẻ yêu cầu bằng cách ăn vạ. Nhưng khi trẻ bình tĩnh rồi, ta có thể cho trẻ thứ đó. Chúng ta cũng không đàm phán khi cơn bùng nổ của những cảm xúc tiêu cực lên cao, mà đợi đến lúc cân bằng trở lại. Các bạn xem video trong chương trình can thiệp của A365, video này tôi trực tiếp cầm máy quay khi cô Raina thực hiện. Em bé vào phòng được 1 phút, phát hiện mẹ đi khỏi, khóc rất dữ dội. Raina là một chuyên gia trị liệu tự kỷ đến từ Philippines, cô ấy đã kiên trì dỗ dành cho đến khi bé nín khóc. Những gì Raina làm các bạn có thể quan sát thấy - Ôm bé đung đưa và hát một cách đầy yêu thương - Đặt bé xuống khi bé nín khóc và gợi ý một trò chơi Tất cả chúng ta đều làm được điều này. Lúc Khoai còn nhỏ, tôi đã từng đi nhiều nơi can thiệp. Nhiều chỗ họ khuyên là phải kệ cho con khóc mấy hôm đầu rồi sẽ quen, phải nuốt nước mắt vào trong, rắn một tý con mới khá được, thậm chí có nơi bảo "Xót con thì mang về mà dạy". Tôi không tin những lập luận này. Tôi không tin là với một đứa trẻ con lại phải dùng cái cách bỏ mặc cho nó trở nên "biết điều hơn" Rồi tôi đọc được về trường phái "ôm con" của phương Tây. Họ dạy rằng các bà mẹ nên ôm chặt con đủ liều lượng, thời gian trong một ngày, để tăng cường kết nối. Thế là các bà mẹ răm rắp nghe, cứ căn giờ để ôm con, tự nhiên đến ôm cứng lấy con, thậm chí kiên trì đè con xuống để ôm mặc cho nó giãy dụa, nước mắt con và mẹ cùng nhau chảy... Đọc đến đấy tôi nói thật là phì cười, không tin cái lý thuyết ấp trứng vịt đó. Nhưng tôi tin vào những cái ôm yêu thương. Tôi nghĩ là một sự tiếp xúc âu yếm sẽ mang đến rất nhiều điều tốt. Nhưng nó phải tự nhiên, đúng lúc. Đừng quá căng thẳng cho dù cuộc chiến với tự kỷ thật gian nan. Hãy ôm con nhẹ nhàng mỗi khi đi qua đi lại trong nhà, chạm vào nó, ôm nó mỗi khi nó chú ý tới món quà mình cầm trên tay, mỗi khi nó thành công trong việc gì đó, lúc nó mệt, ngái ngủ... Tất cả những cái ôm phải mang lại sự dễ chịu. Có như thế thì khi con cáu giận, bùng nổ, con mới cho mình ôm ấp, vỗ về, vì con biết là sẽ dễ chịu lắm. Sau này khi sang Philippines, Brunei hay Malaysia thăm quan, học hỏi, tôi thấy trong nhiều trung tâm can thiệp có phòng Quiet Room. Trong đó lót thảm và đệm êm trên sàn, trên các bức tường, để trẻ có cáu giận lao đầu vào cũng không bị tổn thương gì. Phòng để trống không, có thể có một búi dây dợ cho trẻ giằng xé. Nếu có điều kiện thì cái búi đó là những sợi lấp lánh, khi giằng xé thì lại đổi màu rất thú vị, làm trẻ dịu lại. Phòng thường để tối và có thể có âm nhạc hoặc đèn nhấp nháy. Sau khi dịu cơn bùng nổ trẻ được đưa ra ngoài. Không ai bỏ mặc cho nó "tự biết điều" cả, mà tìm cách hỗ trợ nó vượt qua khủng hoảng. Trong video, mọi người còn thấy cô Raina gợi ý một trò chơi là tháo các miếng ghép ra. Theo tôi nghĩ, các bạn nên sắp xếp cho con vài trò chơi hàng ngày mang tính "phá phách" một chút. Nó giống như khi chúng ta cáu giận, chúng ta đấm tay xuống bàn hay ném cái bút xuống đất. Những trò chơi có tính chất phá cái gì đó ra sẽ làm xả những tích tụ cảm xúc, không cho nó bùng lên thành cơn dữ dội. Vấn đề là những trò chơi đó phải có ý nghĩa thiết thực chứ không phải vô cớ lại mang cái gì ra đập. Đập phá làm tính cách trẻ trở nên hung bạo. Chỉ nên áp dụng những trò chơi tích cực thôi, ví dụ như tháo những miếng ghép đồ chơi ra để cất dọn vào hộp, lăn bóng làm đổ những con ki trong trò bolling... Trẻ lớn lên một chút có thể áp dụng vào việc nhà. Ví dụ ngày trước Khoai được sai đi đập xỉ than cho nhỏ ra để dùng trong chậu vệ sinh ngoài sân cho chó mèo. Nó đập rất hăng. Đập xong thấy có vẻ thoải mái lắm. Chúng ta còn thấy trong video cô Raina đặt bé nằm và xoa nắn nhẹ nhàng. Ai cũng có thể bắt chước điều đó, nhưng để học sâu hơn, tốt hơn về kỹ thuật thì các phụ huynh nên học theo một khóa mát xa trị liệu uy tín. Các bạn theo dõi thông tin tập huấn của các câu lạc bộ phụ huynh, hoặc tự gửi yêu cầu học đến các nhóm đó, nếu đông người thì có thể tự lên kế hoạch tổ chức và mời chuyên gia dạy. Khoai hồi bé được mát xa khoan khóai đã thốt lên một câu để đời: "mẹ đang tô màu con à?" (ý chàng là xoa khắp người giống như cầm bút màu tô kín một bức tranh).