- Các sách
- Sách tự kỷ
Trang Chủ :: Tham gia các hoạt động xã hội :: Dạy trẻ chơi với người khác
1. Dành nhiều thời gian cho gia đình
2. Dạy trẻ cùng nhau ăn uống
3. Dạy trẻ nội quy trong lớp họcClip hướng dẫn cha mẹ và cán bộ y tế dạy trẻ nội quy trong lớp học
Tại sao việc học các nội quy trong lớp lại quan trọng?
Dạy trẻ hiểu nội quy trong lớp học rất quan trọng vì khi đó trẻ sẽ được học cách tương tác phù hợp ở nhà trẻ hoặc trường học.
Nội quy trong lớp sẽ bao gồm:
- Lắng nghe giáo viên
- Xin trợ giúp khi trẻ cần
- Làm theo những hướng dẫn của giáo viên và tham gia vào các hoạt động ở lớp học
Trẻ có thể gặp phải những thách thức hoặc khác biệt nào khi học các quy định trong lớp học?
Trẻ tự kỷ có thể bị hiểu lầm là cư xử không phù hợp trong lớp vì trẻ thường gặp khó khăn với các hoạt động sau:
- Khó khăn trong việc hiểu các quy định xã hội/trong lớp học
- Khó khăn trong việc hiểu ngôn ngữ nói, viết và không lời
- Khó khăn khi làm theo những hướng dẫn có nhiều bước
- Khó khăn trong việc dùng và duy trì giao tiếp bằng mắt
- Khó khăn trong việc nhờ người khác trợ giúp
- Khó khăn khi chuyển tiếp giữa các hoạt động trong lớp
Những chiến lược nào có thể giúp trẻ khắc phục những khó khăn này?
- Các kỹ năng lắng nghe, xin trợ giúp khi cần và làm theo các hướng dần, tham gia các hoạt động nhóm cần được dạy từ nhỏ, từ việc dạy một – một giữa bố mẹ/thầy cô với con, rồi thêm anh chị em hoặc trong nhóm nhỏ, để sẵn sàng cho con có thể theo được các hoạt động tại trường lớp.
- Thảo luận với nhà trẻ/trường học để thầy cô biết được các nhu cầu của trẻ. Xem xét nên có những sự thay đổi nào về phòng học để giúp cho trẻ thích nghi hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ tham gia vào các hoạt động trong lớp học/nhà trẻ.
- Cung cấp cho giáo viên các chiến lược mà bạn có thể đang sử dụng với trẻ sao cho các quy định hoặc ngôn ngữ với trẻ, mong đợi của cha mẹ được nhất quán. Ví dụ, yêu cầu trẻ thực hiện một nhiệm vụ bằng cách sử dụng những hướng dẫn ngắn và đơn giản.
- Xây dựng gợi ý bằng hình ảnh về các quy định trong lớp học cho trẻ tại trường học/nhà trẻ (ví dụ: để yên tay khi ngồi thành vòng tròn, ngồi yên trên ghế trong giờ đọc truyện, giơ tay khi muốn hỏi).
- Sử dụng một câu chuyện xã hội, video clip hoặc gợi ý trực quan để dạy trẻ. Tốt nhất là dùng đúng hình ảnh trực quan tại trường mà trẻ học để giải thích cho trẻ.
- Thế nào là biết lắng nghe (mắt nhìn vào người nói, giữ yên tay và cơ thể, đứng gần nhưng không quá sát vào người nói).
- Cách hỏi khi trẻ cần sự giúp đỡ (trẻ giơ tay lên khi cần thầy cô giúp đỡ).
- Sử dụng một bảng biểu trực quan để giúp trẻ hoàn thành nhiệm vụ.
- Đề nghị trường học/nhà trẻ cho phép trẻ có những sự hỗ trợ trực quan trên bàn hoặc trên tường nếu trẻ cần.
- Nếu có giáo viên đi kèm trẻ thì giáo viên cần có chiến lược xóa nhắc cụ thể để sớm thúc đẩy sự chủ động và tự lập của trẻ. Tốt nhất là có thể hướng dẫn cho một bạn/nhóm bạn hỗ trợ trẻ tại lớp học, làm mẫu cho trẻ.
Phụ huynh nói gì?
Điều kiện tiên quyết để trẻ đi học hòa nhập thành công (kể cả ở bậc học mẫu giáo) là hiểu và tuân theo nội qui lớp học, chứ không phải là biết đọc biết viết trước. Rất nhiều bé đã đi học vô cùng chật vật dù đã thuộc trước cả quyển sách giáo khoa. Việc học các kiến thức tĩnh và có qui luật rõ ràng như chữ, số, các phép tính... thực ra là rất dễ dàng với trẻ tự kỷ. Nhưng các phép tắc qui định lại là thứ luôn khó hiểu. Video của A365 cho thấy cô giáo dạy trẻ cách lắng nghe trong lớp và cách hiểu tuần tự các việc sẽ làm trong một buổi học. Phương pháp dạy là dùng tranh kể một câu chuyện xã hội (bé ngồi ngoan trong lớp như thế nào, mắt nhìn cô, tai lắng nghe, tay đặt xuôi xuống...), và giới thiệu cho trẻ thời khóa biểu trong ngày, mô tả những việc mà cả nhóm sẽ lần lượt làm trong buổi học ngày hôm đó. Video này chỉ là một gợi ý tham khảo. Các cha mẹ nên căn cứ vào nề nếp cụ thể của cái trường con dự định theo học để thiết kế một loạt các bài hướng dẫn cho con. Hồi Khoai lần đầu đi học mẫu giáo, con chạy sục sạo khắp các lớp chứ không chịu ngồi yên ở lớp mình. Mẹ phải xin phép trường cho chụp ảnh tất cả các lớp và về giải thích với con, đây là lớp của các em bé, đây là lớp của các anh chị lớn, và đây là lớp của con, có các bạn a, b, c bên hàng xóm, cùng tuổi. Chương trình học mỗi ngày thì nhờ cô thông báo trước với Khoai. Có như thế cậu ta mới không vọt ra sân xông bừa vào bất cứ lớp nào đang tập thể dục để được tập, vì đây là môn học yêu thích nhất của cậu. Khi chuẩn bị vào lớp 1, Khoai có học qua một lớp "tiền tiểu học". Lớp này không chú trọng dạy kiến thức mà chủ yếu là nền nếp của buổi học thật sự. Đây là những bước dần dần khép cậu ấy vào kỷ luật học đường. Cô giáo cũng là một giáo viên tiểu học, và phong cách của cô là phổ biến trong các trường tiểu học bây giờ. Trích nhật ký những ngày tiền tiểu học đầy lạ lẫm và lủng củng của cậu ấy nhé: "... Hàng ngày, mình vẫn cắp balo đến trường mầm non, vì còn một năm nữa mới lấy được cái bằng tốt nghiệp mẫu giáo. Nhưng thứ 7, CN, mẹ cho mình đi học ở một lớp "gà" để chuẩn bị vào tiểu học. Mấy buổi học đầu, cô giáo tỏ ra dễ dãi như cô mầm non. Mình thích ngồi học thì ngồi, thích chạy ra ngoài thì kiếm cớ chạy ra. Mình thích chí lắm. Thấy ai cũng có cặp sách, hộp bút, mình cũng đòi sắm cho đủ. Nhưng đến lớp thì mình lục tung bút với tẩy ra nghịch rồi vứt mỗi thứ một nơi, lúc về nhà chỉ mang mỗi cái hộp bút không về. Sau một hồi mẹ ngầy ngà, mình cũng hiểu ra là mình phải quản lý đồ dùng của mình. Buổi học sau, trước khi về, mình quát cả lớp: bút của Khoai đâu? Đưa ra đây! Đến buổi học thứ 5 thì mình mới biết cô giáo này rất hách, không thể lơ mơ được. Mình không được chạy loăng quoăng nữa, chỉ được nghỉ vào giờ ra chơi thôi. Phản đối cũng chẳng ích gì, cô có cái thước rất to, và cô không hề vừa giơ thước vừa cười như mẹ. Mình ăn hai cái nhẹ vào mông rồi đấy. Đau thì không đau, nhưng có lẽ phải khuất phục thôi chứ biết làm thế nào? Cô gọi mình đọc bài. OK, mình đọc được, nhưng mình không đồng ý cái cách cô cứ chỉ lung tung từ chữ này nhảy sang chữ khác trên bảng. Tính mình là cái gì cũng phải tuân theo thứ tự, cô phải chỉ chữ A rồi đến chữ B, không thể thích chỉ vào chữ nào thì chỉ thế được. Vậy là mình thắc mắc, mình bảo cô phải chỉ lần lượt, nếu không để mình tự chỉ. Mình rút thước của mình ra định chạy lên, thì bỗng "chát" một phát giật hết cả nẩy, cô đập thước vào bàn, nói rõ ràng là cô chỉ chữ nào con phải đọc chữ ấy. Không được, mình nhất mực là phản đối đấy. Nhưng cô hỏi luôn cả lớp: Bạn Khoai như thế có được không? Cả lớp đồng thanh "Kh..ô..ng". Đáng ghét, mắc gì đến bọn nó chứ. Nhưng làm thế nào được, không đọc là cô không cho về. Mẹ đứng ngoài sợ nem nép, chẳng tỏ thái độ bênh vực gì. Thôi thì mình đành phải đọc vậy, nhưng mình cứ để mặt mày xưng xỉa lên cho biết tay. Tuy nhiên mình vẫn thích đến lớp này lắm, sáng ngủ dậy là mình đề nghị đến lớp này thôi. Mẹ bảo hôm nay không phải thứ 7, hôm nay thứ 2 rồi, mình phải đi mẫu giáo. Nhưng mà ô la la, đã xé lịch đâu, hôm nay vẫn còn là thứ 7 kìa. Mẹ quay lại nhìn, nói ừ nhỉ, rồi phũ phàng xé soạt một cái. Thôi rồi, thế là chẳng cãi được gì. Bó tay. Đi mẫu giáo vậy."