- Các sách
- Sách tự kỷ
Trang Chủ :: Tham gia các hoạt động xã hội :: Dạy trẻ chơi với người khác
1. Dành nhiều thời gian cho gia đình
2. Dạy trẻ cùng nhau ăn uống
3. Dạy trẻ nội quy trong lớp học
6. Dạy trẻ chia sẻ và theo lượt
7. Dạy trẻ chơi với người khácClip hướng dẫn cha mẹ và cán bộ y tế dạy trẻ chơi với người khác
Giới thiệu:
Dạy trẻ chơi với người khác cực kỳ quan trọng, không chỉ giúp trẻ hòa nhập tốt hơn, mà khi trẻ có thể chơi với nhiều người, thì cơ hội học hỏi cho con được mở rộng. Trẻ con học ở nhau ngôn ngữ, sự sáng tạo, kiến thức, v.v. và cao hơn là xây dựng tình bạn. Chơi với người khác không thể thực hiện được nếu trẻ không để ý tới sự có mặt của người xung quanh. Để dạy trẻ chơi với người khác, việc đầu tiên phải dạy trẻ nhận thức về sự có mặt của người khác trong khi chơi, và hướng dẫn cho trẻ cách tương tác với người khác hoặc trẻ khác. Trẻ tự kỷ gặp khó khăn lớn trong việc điều chỉnh bản thân khi có người khác ngồi bên cạnh và chơi đồ chơi của trẻ. Nhưng hướng dẫn trẻ kỹ năng này từ khi trẻ lững chững biết đi sẽ cải thiện khả năng tương tác, tham gia vào môi trường xã hội khi trẻ đến trường học.
Cách dạy trẻ chơi với người khác:
Sự quan trọng của chơi giữa cha mẹ và trẻ
- Cha mẹ đóng vai trò là hình mẫu quan trọng nhất hỗ trợ trẻ phát triển kỹ năng xã hội. Cha mẹ nên thiết lập 1 khoảng thời gian trong ngày dành riêng để chơi với con. Có thể gọi là “Thời gian của cha/ mẹ và trẻ”.
- Điều này cung cấp cơ hội cho trẻ phân tách khoảng thời gian nào trẻ được tự do chơi một mình và khoảng thời gian nào trẻ nên chơi cùng người khác.
- Sử dụng từ vựng thích hợp khi chơi để làm mẫu cho trẻ các hành vi phù hợp. Bố mẹ nên đóng vai trò là người bạn chơi cùng con, cùng nhau xây dựng hoạt động, thay vì vai trò của người dạy, người dẫn dắt quá nhiều/đặt câu hỏi/đặt yêu cầu bắt con nghe theo sẽ khiến con hình thành thói quen trả bài và thụ động khi chơi và vì vậy gặp khó khăn khi chơi với các bạn.
- Ví dụ:
– Chia sẻ: “Cha/mẹ sẽ là bạn của con và cùng chơi xe”.
– Đợi: “Cha/mẹ sẽ đợi con chơi xong và sau đó sẽ đến lượt của cha/mẹ”.
– Gợi ý: “Chúng ta có thể xây cái gì cùng nhau nhỉ?”.
– Đưa ra sự giúp đỡ: “Nếu con muốn, cha/mẹ có thể giúp con xây tòa tháp này”.
– Nếu là một đứa trẻ không muốn chia sẻ: “Được rồi, cha/mẹ có thể đợi con chơi xong, và sau đó sẽ là lượt của cha/mẹ”.
Cha mẹ dạy trẻ chơi với trẻ khác
Cha mẹ cần tập cho trẻ chủ động chơi, và giải quyết các vấn đề trong tình huống xã hội. Trẻ tự kỷ không thể tự nhiên học tương tác xã hội, bởi vậy trẻ có thể cần sự có mặt của cha mẹ khi vui chơi để hướng dẫn trẻ thông qua các tình huống xã hội. Điều này giúp trẻ nhận ra cảm xúc về tình bạn và giúp trẻ phát triển những mối quan hệ tích cực.
Ví dụ:
- Đề nghị một người bạn đợi: “Con có thể nói với bạn là con chưa cho bạn thứ này được”.
- Chú ý tới trẻ khác: “Nhìn vào tòa tháp to mà bạn con đang làm kìa!”.
- Giúp đỡ người khác: “Con có thể giúp bạn tìm khối màu xanh lá cây không?”.
Điều quan trọng là tạo một môi trường tích cực để dạy trẻ chơi với trẻ khác. Cha mẹ khuyến khích trẻ nhớ cách chơi, và coi việc chơi cùng bạn khác là một động lực và hoạt động vui vẻ. Cha mẹ cần tránh để trẻ cảm thấy cha mẹ đang lấy đồ chơi của trẻ đi, hãy để trẻ thấy chúng ta đang tạo ra những điều thú vị hơn trong khi chơi.
Khi con đã chơi tốt với cha mẹ rồi, cha mẹ có thể lôi kéo thêm các anh chị lớn hơn một chút chơi cùng con, rồi dần tới các bạn cùng tuổi. Trong thời gian đầu con chơi với các bạn, cha mẹ nên ở gần để quan sát và hỗ trợ kịp thời giải quyết các tình huống khó, và sau đó có thể viết lại các câu chuyện xã hội để ngồi kể và phân tích cho con trước giờ đi ngủ xem nếu lần sau gặp tình huống đó con nên xử trí như thế nào.
Nguồn tài liệu:
The national autistic society [Internet]. Communicating and interacting.
Phụ huynh nói gì?
Trẻ con bình thường luôn hớn hở khi thấy bạn bè, còn các bé tự kỷ lúc nhỏ có vẻ không chú ý đến bạn, lúc lớn thì có thích các bạn cũng không biết chơi cùng như thế nào. Vì vậy mà dạy cho trẻ kỹ năng chơi hợp tác là điều cần phải làm từ nhỏ. Bí quyết thành công của việc chơi cùng nhau là bố mẹ phải làm sao để trẻ không có cảm giác mất an toàn và bị lấy mất đồ chơi. Có lẽ nên bắt đầu bằng những trò chơi tập thể, không có đồ chơi. Ngày trước nhà tôi hay chơi trò nắm tay nhau thành vòng tròn, khi hát "bóng tròn xoe, tròn tròn tròn xoe" thì cả vòng giãn ra hết cỡ, khi hát "bóng xì hơi, xì xì xì hơi" thì tất cả chụm lại. Lúc đầu Khoai có hai người nắm tay để kéo ra kéo vào, về sau thêm vào vòng tròn một bạn gấu bông (bạn ấy to gần bằng người thật), Khoai phải nắm tay bạn gấu và tay kia nắm tay mẹ. Khi mẹ kéo ra kéo vào thì Khoai cũng phải chủ động kéo tay chú gấu. Đó là cái mẹo nho nhỏ để Khoai dần chủ động tham gia trò chơi và có chủ động tương tác với người cùng chơi. Có nhiều trò chơi tập thể khác có thể áp dụng như trò căng ra một tấm vải lớn để tất cả mọi người bám vào đó, khi hô "trời mưa" thì tất cả chui vào dưới tấm bạt... Các bố mẹ nên tìm cách lôi cuốn trẻ con hàng xóm sang chơi, và có qui định giờ chơi, lịch chơi cụ thể, để bé biết đến khoảng thời gian nào dành cho các trò chơi tập thể. Trong video của A365, cô giáo dạy trẻ chơi cùng một bạn gái nữa. Các bạn gái luôn là những lựa chọn tuyệt vời cho việc chơi tập thể. Bé gái luôn tương tác tốt hơn và nhiệt tình hơn trong các trò chơi chung có người hướng dẫn. Chơi với bọn con trai thì ít khi được nhường. Chơi chung mà chơi vụng hơn chúng thì cũng bị chúng mắng cho thậm tệ. Khoai ngày xưa tham gia chơi đá bóng, đá thế nào mà chúng nó quát: "Đá vào ...đít quả bóng ấy" (chắc là đá trượt hoặc đá quá nhẹ). Nhưng nếu mẹ chịu khó mua bóng cho cả bọn, mua đồ ăn nữa, thì chúng vẫn thường sang rủ Khoai chơi suốt. Cứ dạy con đến lúc nào đó nó có vẻ thích chơi với bạn cùng lứa hơn với bố mẹ hoặc cô giáo là thành công đấy các bạn ạ. Thêm một điều nữa là nên cập nhật trò chơi theo xu hướng của bọn trẻ con bình thường (quan sát là thấy ngay chúng nó chơi cũng có mốt đấy), để con dễ hòa nhập ở trường. Nhiều chỗ can thiệp rất chịu khó sáng tạo ra các kiểu chơi để dạy trẻ, nhưng không phải các trò thịnh hành ở trường học, thì cũng không giúp được gì nhiều cho con khi hòa nhập cuộc sống. Trích nhật ký của Khoai ở trường học, về những trào lưu đồ chơi trong trường "...Ở trường có những trào lưu, mà người điều khiển là ...một bà bán hàng gánh ngoài cổng trường! Bà có hai cái thúng và một cái mẹt, trên mẹt bà bày những thứ hàng hóa quí giá. Bà ngồi trên cái đòn gánh và chăng thêm một số thứ quí giá khác lên bức tường đằng sau lưng bà. Điều đó khiến cho bà thêm uy nghi. Mỗi khi có một đứa trẻ chạy lại háo hức, đằng sau là một ông bố hay một bà mẹ đang nhăn nhó dựng xe, bà đều tươi cười hỏi "Con muốn thứ gì, có phải cái này không? Thằng bé/con bé này ngoan/khôn thật!" Một dạo bà bán magic. Cả trường chơi magic! Một dạo bà bán toàn các loại con quay. Trông thì tưởng như nhau, nhưng có nhiều loại quay lắm, loại hổ báo, loại gấu, loại voi rừng, loại "Hải Bố", loại "Thiên Ưng"... Cả trường chơi quay! Bà cũng rất cập nhật tình hình thế giới qua tivi. Khi bộ phim robot trái cây làm mưa làm gió trên tivi, bà bán cực nhiều robot trái cây các thể loại! Cả trường đọ rô bốt! Mỗi món hàng không quá 50K. Nhưng khổ nỗi nó là những bộ sưu tầm vĩ đại, mỗi ngày bổ sung kiểu mới, nhân vật mới, nên bọn trẻ kính bà hơn hiệu trưởng, thân bà hơn giáo viên chủ nhiệm, mê bà hơn tổng phụ trách đội và nể bà hơn những đứa bạn con nhà giàu có nhất trường! Ngô và Khoai cũng không bao giờ ở bên ngoài trào lưu! Cái quang gánh và mẹt hàng của BÀ hấp dẫn hơn các store và supermarket! Một lần mua con quay, mẹ lườm một ông bố định mua cho thằng con một con quay to khủng nhất. Giời ạ, ông mua con be bé thôi, không mai cả trường nó lại đòi mua con to như thế, ông làm hại chúng tôi. Ông bố ngơ ngác rồi cười phá lên như suzuki nổ máy! Thật may là có dạo trào lưu chỉ là những cái thẻ hình tròn như đồng xu to, chỉ có 3K một tập thẻ thôi. Bố trẻ kia mỗi lần gặp mẹ Khoai lại cười hí hửng. Còn mẹ Khoai thì cũng mua khoảng ...1 kg thẻ cho xả láng! Hiện giờ trào lưu là thẻ hình chữ nhật, chơi trò "đập ảnh". Khoai viết trong bài văn chuẩn bị thi kiểm tra 8 tuần: "Ở trường em được học môn Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên xã hội, Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thủ công. Em thích nhất môn Toán. Sau những giờ học, chúng em chơi đập ảnh vui ơi là vui. Em rất thích trường em". Tuy nhiên bài mẫu là: sau những giờ học, chúng em chơi nhảy dây, đánh cầu rất vui. Nhưng mà Khoai đừng hòng viết cái gì không đúng sự thật. Sân trường đông như điện máy Trần Anh hôm xả hàng, làm quái gì có chỗ mà nhảy dây với cả đánh cầu! Cô giáo nhắn qua sổ liên lạc là bố mẹ sửa bài văn cho con rồi cho học thuộc để còn thi. Mẹ (nguyên cử nhân văn học) không thấy bài văn có gì phải sửa cả!