- Các sách
- Sách tự kỷ
Trang Chủ :: Tự chăm sóc bản thân :: Đi vệ sinh
1. Giới thiệu
3. Ăn và uống
5. Đi vệ sinhClip hướng dẫn cha mẹ và cán bộ y tế thực hiện bài tập can thiệp:
Giới thiệu:
Hướng dẫn trẻ cách đi vệ sinh luôn luôn là một khó khăn đối với cả trẻ em phát triển bình thường và trẻ tự kỷ. Trước khi dạy trẻ cách tự đi vệ sinh, cha mẹ nên cho trẻ đi vệ sinh vào những thời gian nhất định trong ngày. Trẻ tự kỷ dựa vào thói quen, vì vậy cha mẹ cần phải thể hiện sự nhất quán trong việc khuyến khích trẻ sử dụng nhà vệ sinh một cách thích hợp.
Làm thế nào để dạy trẻ biết cách đi vệ sinh:
Bước 1: Nhận định xem đã đến lúc dạy con chưa. Trẻ em thể hiện dấu hiệu đã đến thời điểm nên được học cách tự đi vệ sinh nếu:
- Trẻ có thể không tè dầm trong vài giờ;
- Trẻ có thể đi bộ một cách độc lập;
- Trẻ có thể làm theo hướng dẫn đơn giản, một bước;
- Trẻ có thể sử dụng ngôn ngữ/ hành động/ tranh PECS để đi vệ sinh;
- Trẻ có thể bắt chước người lớn và cố gắng hành động giống cha mẹ.
Bước 2: Biết các mốc quan trọng đối với trẻ em phát triển bình thường:
- 15 tháng tuổi: Trẻ có thể tè dầm ướt quần áo;
- 18-20 tháng tuổi: Trẻ có thể đi vệ sinh vào bô nếu đặt ở đó;
- 2-2 ½ tuổi: Trẻ có thể nói “Con muốn đi tè”;
- 3-4 tuổi: Trẻ có thể độc lập sử dụng nhà vệ sinh.
Bước 3: Kiểm tra và tạo môi trường phù hợp cho trẻ
- Nên mặc quần áo rộng rãi cho trẻ để dễ dàng cởi ra khi trẻ đi vệ sinh;
- Thường xuyên cho trẻ vào phòng tắm để trẻ biết vị trí của nơi vệ sinh;
- Hãy sắp xếp thế nào để con bạn cảm thấy thoải mái và an toàn khi ngồi trên bồn cầu. Nếu bồn cầu lớn so với trẻ, cha mẹ nên sử dụng một miếng đệm dành cho trẻ em đặt trên bồn cầu để trẻ thấy thoải mái hơn.
- Tạo không gian thư giãn và vui vẻ cho trẻ trong nhà tắm bằng cách dán lên tường đối diện với chỗ vệ sinh các nhân vật yêu thích của trẻ.
Bước 4: Sử dụng các phương pháp khác nhau để việc đi vệ sinh vui vẻ hơn:
- Khuyến khích chơi giả vờ với việc đi vệ sinh (ví dụ: Cho búp bê sử dụng bô để đi vệ sinh);
- Nên đọc sách cho trẻ về việc dạy trẻ em cách đi vệ sinh;
- Làm mẫu việc đi vệ sinh và sử dụng các từ vựng liên quan đến đi vệ sinh (đại tiện, tiểu tiện, giật nước/ sập nước, đồ lót);
- Khen con khi con cố nói các từ như bô hoặc sử dụng bô. Bạn có thể ôm, đập tay hay trao cho con phần thưởng khác.
- Đừng phạt, trêu cười hoặc làm con ngượng nếu con tè dầm. Chỉ cần nói “Ồ, con ướt rồi. Thay đồ thôi!”.
Bước 5: Xây dựng lịch trình đi vệ sinh:
- Nhận biết thói quen đi vệ sinh của con. Cha mẹ cũng có thể nhận biết thói quen đi vệ sinh của con dựa vào việc quần con ướt hoặc khô. Nếu được có thể ghi lại để xem nhịp đi vệ sinh của con, trung bình bao lâu con đi một lần.Thời gian đi vệ sinh sẽ bị ảnh hưởng bởi lượng nước/thức ăn đưa vào cơ thể và nhịp sinh hoạt của trẻ. Dựa theo lịch này, có thể đưa con đi vệ sinh khi thời gian trung bình gần qua hết, thì khả năng con đi được vào bô sẽ cao hơn.
- Bắt đầu thiết lập lịch trình cho trẻ ngồi bô ngay cả khi con không cần phải đi vệ sinh. Cho trẻ ngồi bô 3-4 lần một ngày, mỗi lần 2-3 phút. Cha mẹ nên ngồi cạnh con và nói những điều tốt đẹp. Tốt nhất là khi trẻ muốn đi tiểu tiện hoặc đại tiện, ngay lập tức khuyến khích trẻ ngồi bô hoặc ngồi lên bồn cầu trong nhà tắm. Khen trẻ mỗi khi trẻ làm tốt.
- Thường xuyên kiểm tra lịch trình đi vệ sinh của con như.
– Ngay sau khi ngủ trưa.
– Một giờ sau khi uống hoặc ăn.
Một số chú ý:
- Chỉ nên dạy con đi vệ sinh khi con đã có các dấu hiệu sẵn sàng kể trên. Không nên ép trẻ tập đi vệ sinh khi con chưa sẵn sàng (con chưa tự chủ rặn tè hoặc ị được, con chưa thể ngồi bô lâu hơn 1 phút, v.v.), vì có thể khiến trẻ không hợp tác hoặc có phản ứng tiêu cực với bô hoặc nhà vệ sinh, khiến cho ấn tượng xấu và càng khó dạy về sau khi trẻ đã sẵn sàng
- Mỗi trẻ một khác, đặc biệt với các trẻ tự kỷ, những khác biệt về giác quan có thể khiến các con thích nhịn tè, hoặc thích/rất ghét cảm giác nước tè, v.v. Những đặc điểm này của con cần được quan sát, chú ý và tìm cách xử trí phù hợp để hỗ trợ con tốt nhất.
Tài liệu tham khảo:
University of Illinois Extension. Dealing with Toddlers: Toilet teaching: the first steps.
Phụ huynh nói gì?
Thông thường trẻ con biết ngồi bô lúc khoảng 2 tuổi. Từ 3 đến 4 tuổi có thể độc lập sử dụng nhà vệ sinh. Các bé tự kỷ thì khó theo mốc tuổi đó. Cần có một số điều kiện cần thiết, ví dụ như hiểu ngôn ngữ ở mức độ nào đó, biết bắt chước... thì mới bắt đầu dạy đi vệ sinh. Trong A365, phần dạy trẻ đi vệ sinh, có liệt kê các điều kiện cần có để bắt đầu dạy trẻ kỹ năng đi vệ sinh. Các bạn vào xem kỹ nhé. Việc đi vệ sinh dù sao cũng là việc tế nhị, và sau này còn phải dạy con đi vệ sinh một cách kín đáo nữa, nên cách dạy hiệu quả nhất mà nhiều bố mẹ đã áp dụng, là dạy trẻ bằng chuỗi hình ảnh. Nếu không dùng hình vẽ mà lại dùng cách... làm mẫu cho con xem thì quả là cũng bất tiện, nếu mẹ khác giới tính với con thì còn bất tiện hơn nữa! Trong video các bạn sẽ thấy cô giáo cho trẻ xem chuỗi hình vẽ miêu tả tuần tự một cuộc đi vệ sinh, từ lúc bắt đầu cho đến lúc rửa tay. Chuỗi hình ảnh này có thể cho con xem ở ngoài, có thể dán ngay trong nhà vệ sinh cho đến lúc con thuần thục. Hình ảnh có thể tìm khá dễ dàng trên mạng. Sau đó bố mẹ phải canh chừng lúc con cần đi vệ sinh để bắt đầu dạy. Nếu con có lỡ tè ra quần rồi, vẫn cho ngồi bô hoặc ngồi bồn cầu một lúc, để ghi nhớ thành thói quen. Một điều cần chú ý nữa là không trêu chọc khi con lỡ tè dầm (các cha mẹ Việt hay mắc điều này lắm) Các bé tự kỷ nguyên tắc lắm nên có nhiều chuyện buồn cười. Một cậu đã thạo đi vệ sinh lắm rồi, đến lúc đi học lớp 1, thì không may hôm đó trong nhà vệ sinh mất cái thùng đựng giấy. Cậu sử dụng giấy lau chùi xong không biết bỏ vào đâu, bèn... bỏ cặp sách mang về. Khoai thì suốt học kỳ đầu năm lớp 1 mẹ vẫn phải bỏ một cái quần vào cặp, dặn cả cô giáo là có cái quần dự phòng đó, để nhỡ xảy ra chuyện gì. Rất may Khoai không phải dùng đến quần sơ cua lần nào, nhưng đã cứu một bàn thua trông thấy cho cậu bạn cùng lớp vì cậu ấy cũng... lỡ!. Từ năm lớp 2 trở đi, Khoai hoàn toàn tắm rửa vệ sinh và thay quần áo độc lập, mẹ đừng hòng có cơ hội nhìn thấy anh khỏa thân lần nào nữa. Cũng vì dạy rất kỹ tuần tự của việc vệ sinh, rồi việc tắm nữa, nên có lần có sự cố chết cười. Xin trích đăng lại nhật ký dạo 4 tuổi của Khoai nhé! "...Chuyện là vậy, phú quí giật lùi, nhà tớ chuyển đến nhà mới chỉ rộng đúng bằng nửa căn nhà cũ, ôi nó rất rất bé, lại trong một khu tập thể bé nhỏ nhà nọ sát nhà kia, hắt hơi một cái thì vang cả xóm. Lúc đó tớ cũng bắt đầu nói được câu què câu cụt rồi, tớ cũng đã biết hỏi. Mà tớ đã hỏi là phải trả lời, nếu không tớ sẽ tua lại với volume cao vút. "Tai nạn" đầu tiên ở nhà mới: tớ thấy đèn sáng trong nhà tắm, mẹ ở trong ấy. - Mẹ ơi, mẹ đang tắm à? (mẹ nghĩ bụng: ôi sao nói to thế) - Mẹ có cởi trần không? (chúa ôi, con mong hàng xóm điếc tai hết đi!) - Mẹ lâu thế, mẹ đi ị đấy à (thôi tôi đi chết đây!!!)" (Hì hì, sorry cả nhà, đã tả là phải tả thực!)