- Các sách
- Sách tự kỷ
2. Dạy trẻ giao tiếp mắt
Clip hướng dẫn cha mẹ và cán bộ y tế dạy trẻ giao tiếp bằng mắt:
Giới thiệu:
Giao tiếp mắt là một hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ. Chúng ta sử dụng giao tiếp mắt để thể hiện sự chú ý vào người đối diện. Phần lớn trẻ em sẽ giao tiếp mắt một cách tự nhiên, nhưng trẻ tự kỷ thì không. Trẻ thường dễ bị phân tán bởi môi trường, vì thế khó tập trung chú ý vào những người xung quanh. Không chỉ riêng việc dạy trẻ các kỹ năng giao tiếp bằng lời, mà việc khuyến khích trẻ giao tiếp mắt cũng rất quan trọng.
Làm thế nào để khuyến khích giao tiếp mắt:
Bước 1: Sắp xếp môi trường
- Đối với những trẻ vừa mới học cách chơi và tương tác với mọi người, việc giao tiếp mắt có thể gặp khó khăn do trẻ bị phân tán bởi môi trường xung quanh.
- Điều cần làm trước tiên là loại bỏ những yếu tố gây phân tán trong môi trường. Nếu trẻ đang chơi hay tham gia một hoạt động nào đó , hãy tạm dừng những hoạt động này để bắt đầu dạy trẻ cách giao tiếp mắt.
- Khi trẻ ở trước mặt bạn, hãy ngồi xuống để ngang tầm với tầm nhìn của trẻ.
Bước 2: Củng cố hành vi
- Dùng các phần thưởng thú vị để làm động lực cho trẻ. Chúng ta có thể kỳ vọng trẻ sẽ giao tiếp mắt khi trẻ rất thích món đồ hay một hoạt động nào đó.
- Khi bạn ngồi ngang tầm nhìn của trẻ, đưa ra một vài thứ mà trẻ thích. Nếu trẻ đòi thứ đó nhưng lại không nhìn vào bạn, bạn có thể gợi ý: “Nhìn mẹ này!” sau đó nhắc trẻ nhắc lại yêu cầu của mình.
- Luôn khen khi trẻ giao tiếp mắt, kể cả khi đó là ngẫu nhiên. Khen trẻ nếu trẻ có hành vi tốt bằng cách nói “Con đã nhìn mắt mẹ rồi, tốt lắm!”.
Bước 3: Dạy trẻ chú ý vào khuôn mặt bạn
Khi trẻ đã giao tiếp mắt một cách thường xuyên hơn, bạn có thể đặt vật/món ăn nhẹ mà trẻ thích lên bàn và chờ đợi (chú ý giữ im lặng) tới khi trẻ giao tiếp mắt với bạn ít nhất trong 10s. Nếu trẻ giữ được giao tiếp mắt với bạn, mỉm cười và gật đầu với trẻ. Đây sẽ là tín hiệu cho trẻ biết rằng trẻ được lấy đồ vật hoặc đồ ăn trên mặt bàn, đồng thời cũng dạy trẻ chú ý tới những tương tác không lời (cử chỉ, điệu bộ).
Nguồn:
http://www.spdparentzone.org/wp-content/uploads/2014/03/GerberArticle.pdfhttp://bcotb.com/joint-attention-making-eye-contact-a-reinforcer/
Phụ huynh nói gì?
Bình thường thì chả ai để ý đến giao tiếp mắt cả, cho đến khi thấy... mất khả năng đó. Không giao tiếp bằng mắt nhìn mắt (hoặc nhìn mặt), hiệu quả giao tiếp bị suy giảm rất nhiều. Bạn thử trải nghiệm đi. Hãy thử một ngày đến nơi làm việc mà không nhìn vào mặt bất cứ một ai. Điều gì sẽ xảy ra? Người ta sẽ ít nói với bạn hơn. Bạn cũng không quan sát được sếp có đang vui không khi bạn báo cáo. Bạn có thể hiểu nhầm ý đồng nghiệp khi chỉ nghe thấy họnói mà không biết họ có nháy mắt hay mỉm cười không. Nói chung là rất nhiều thứ bạn bỏ sót. Con của chúng ta cũng tương tự như vậy. Không có giao tiếp mắt, con sẽ ít hiểu mọi người hơn và nhanh chóng tụt hậu về nhận thức. Khi tập cho con giao tiếp mắt, là bạn đã khôi phục một khả năng quan sát và học hỏi lớn cho con. Hãy xem video trong A365. Cô Raina đặt một miếng đồ chơi lên sàn nhà cho bé bò lại gần. Vậy là bé có hứng thú rồi. Miếng đồ chơi tiếp theo cô đưa lên gần mắt. Mắt bé chỉ chạm vào mắt cô là ok ngay. Đó là những bài luyện giao tiếp mắt ở cấp độ đầu tiên. Khi con tiến bộ rồi có thể tăng thời gian giao tiếp mắt lên. Ngày trước tôi hay tranh thủ lúc Khoai sắp đi ngủ hoặc vừa ngủ dậy, con nằm, mẹ ngồi cho dễ nhìn mắt. Và mẹ phải làm sao thật biểu cảm ánh mắt và gương mặt để con thích thú hơn. Còn mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoạt động, luôn luôn phải hạ tầm cao xuống để mặt đối mặt với con. Tăng giao tiếp mắt là giao tiếp nói chung lập tức tiến bộ theo ngay, điều này là chắc chắn.