- Các sách
- Sách tự kỷ
Trang Chủ :: Tham gia vào cộng đồng :: Đi ra ngoài cộng đồng
1. Hướng dẫn trẻ đến các cuộc hẹnClip hướng dẫn cha mẹ và cán bộ y tế hướng dẫn trẻ đến các cuộc hẹn:
Giới thiệu:
Trẻ tự kỷ thường hay căng thẳng khi được đưa đến gặp bác sĩ, nha sĩ hoặc thợ làm tóc do trẻ gặp vấn đề về cảm giác và không quen thuộc với các tình huống mới lạ. Trẻ cũng khó thích ứng với các môi trường khác nhau, đặc biệt là các môi trường mà chúng không được tiếp xúc thường xuyên. Tuy nhiên, có một số cách bạn có thể áp dụng để từ từ giới thiệu cho trẻ các tình huống mới để trẻ bớt căng thẳng và áp lực khi tiếp xúc.
Gợi ý cho trẻ khi tới bác sĩ, nha sĩ hoặc thợ làm tóc:
Bước 1: Kết hợp chơi giả vờ và kể các câu chuyện xã hội.
- Những câu chuyện xã hội về việc đến gặp bác sĩ, nha sĩ hoặc thợ làm tóc có thể giúp trẻ quen thuộc hơn với các dụng cụ, môi trường và quy trình khám, cắt tóc sẽ diễn ra. Những câu chuyện này thường có sẵn trên mạng.
- Biết được trình tự quy trình khám hoặc cắt tóc sẽ giúp trẻ bình tĩnh và chuẩn bị cho các bước tiếp theo.
- Bạn có thể in câu chuyện xã hội ra và áp dụng các bước để chơi tưởng tượng với trẻ. Bạn có thể yêu cầu trẻ giả vờ cắt tóc, kiểm tra nhiệt độ hoặc khám răng cho bạn.
- Bạn có thể cho trẻ xem những đoạn phim người khác đi đến phòng khám nha khoa hoặc đi cắt tóc. Điều này giúp trẻ hiểu rằng tất cả mọi người đểu trải qua các quy trình khám hoặc cắt tóc tương tự như vậy.
Bước 2: Thường xuyên áp dụng chương trình điều hòa cảm giác và giảm cảm giác đau đớn. (Xem bài Đối phó với những vấn đề về cảm giác).
- Nếu bạn biết trẻ bị nhạy cảm với giác quan nào, bạn nên cho trẻ cơ hội trải nghiệm với giác quan đó từng bước một và tăng dần cường độ.
- Nếu trẻ sợ bàn chải đánh răng, bạn hãy bắt đầu bằng cách chà bàn chải đánh răng vào cánh tay của trẻ 10 lần. Sau đó di chuyển lên cổ 10 lần, và cuối cùng khi trẻ đã quen với cảm giác đó, di chuyển lên đến má, quanh môi, sau đó đưa bàn chải vào bên trong miệng của trẻ. Bạn cũng có thể sử dụng đồng hồ đếm thời gian để giúp trẻ ước tính thời gian trẻ sẽ tiếp xúc với các tác nhân kích thích. Quá trình này có thể mất thời gian và bạn có thể cần sự tư vấn của một nhà trị liệu tâm vận động hoặc một nhà trị liệu ngôn ngữ.
- Khi cắt tóc, một số trẻ có thể bị ngứa vì tóc rơi và dính lại trên da, vì vậy hãy phủi hết tóc rơi trên da trẻ ngay lập tức nếu trẻ cảm thấy khó chịu.
Bước 3: Áp dụng kỹ thuật hành vi để động viên trẻ.
- Đừng quên động viên trẻ khi trẻ đã cố gắng hết mình để giữ bình tĩnh sau khi gặp bác sĩ hoặc thợ cắt tóc. Điều này sẽ giúp trẻ giữ bình tĩnh trong tương lai.
- Trước khi có cuộc hẹn với bác sĩ hoặc thợ cắt tóc, bạn có thể động viên trẻ bằng cách nói rằng: Sau khi chúng ta tới thăm bác sĩ, con có thể ăn món con thích!
Bước 4: Có sự tham gia của bác sĩ, nha sĩ hoặc thợ làm tóc.
- Trước khi đưa trẻ tới bác sĩ, nha sĩ hoặc thợ làm tóc hãy thông báo với họ rằng bạn sẽ đưa trẻ tới đó. Nếu có thể, yêu cầu họ sắp xếp một nơi yên tĩnh và nhẹ nhàng hơn cho trẻ.
- Cung cấp cho bác sĩ, nha sĩ và thợ làm tóc các thông tin về tự kỷ để họ cũng suy nghĩ và đưa ra ý tưởng giúp quá trình thực hiện đơn giản hoặc dễ dàng hơn cho trẻ.
- Hãy tìm một bác sĩ, nha sĩ hoặc thợ làm tóc riêng cho trẻ để giúp trẻ cảm thấy quen thuộc hơn với quy trình khám hoặc cắt tóc.
Nguồn: http://www.autism.org.uk/about/family-life/out-and-about/hairdressers.aspx
Không được phép sử dụng video và các bài viết trên trang a365.vn mà chưa có sự đồng ý từ a365.
Phụ huynh nói gì?
Trong cuộc sống, có những việc cần làm như đi cắt tóc, đi gặp bác sĩ để nhổ răng, đi đến các cuộc giao lưu, tụ tập... Nếu như con không hợp tác, thì cuộc hẹn đó khó thành, rồi sẽ đến lúc, cả nhà sợ không dám cho con đi đâu. Phần lý thuyết để dạy con chuẩn bị và đi đến một cuộc hẹn như thế nào, các bạn lại xem trong A365 nhé. Cặp mẹ con trong video này rất yêu quí A365, vì theo mẹ bé, từ ngày đồng ý làm nhân vật quay phim cho A365, bé tiến bộ không ngừng. Trong video, mẹ sẽ dạy bé câu chuyện xã hội về việc đi khám bác sĩ, để chuẩn bị cho bé đi gặp bác sĩ. Chuyện đi gặp bác sĩ rất "muỗi" với bạn Khoai. Bạn vào phòng khám như vào nhà hát, hoàn toàn thư thái và bình tĩnh. Ở nhà bạn đã theo dõi hàng tỷ lần qua tranh là phòng khám như thế nào rồi, chả có gì phải sợ. Khi đi nhổ răng, mẹ còn chưa dựng xe xong bạn đã hoàn thành thủ tục chào hỏi với nha sĩ, khi mẹ chưa kịp trình bày xong bạn đã nằm sẵn lên ghế khám răng, khi cô nha sĩ còn chưa kịp giải thích thì bạn ấy đã há mồm rõ to, khi mẹ chưa hết run thì bạn ấy đã nhổ răng xong rồi, chả khóc tý nào! Đây là đoạn trích nhật ký một cuộc hẹn trọng đại hơn nhiều, đó là dự một buổi sinh nhật. "...Một buổi tối đặc biệt. Mẹ đưa mình đi dự một bữa tiệc sinh nhật của một cậu VIP (vip theo đúng nghĩa, tức là con nhà gia thế, chứ không phải cách gọi vip như các mẹ nhà chúng mình vẫn gọi chúng mình đâu) Cách đây một năm thì mẹ không dám đưa mình đến những chỗ ấy đâu, sợ phá hỏng buổi lễ của người ta. Năm nay thì có vẻ đầy tự tin. Mặc dù bố có việc bận không đi cùng. Ba mẹ con mặc quần áo đẹp và gọi taxi. Mình và anh Ngô diện comple chĩnh choẹ. Mẹ lôi ra một bộ váy đen khá sang trọng, ngắm nghía một lúc rồi thở dài...cất vào tủ. Mẹ nghĩ đến cảnh phải tất tả đi lại lo cho mình, thôi mặc quần cho dễ thao tác (chẳng hạn như có thể phải ôm bổng mình lên vác ra chỗ khác để dỗ dành). Khổ thân mẹ, ít có dịp diện váy lắm. Mẹ mặc cái áo đỏ cho nó có không khí dạ tiệc, trang điểm 1 tí (hi hi cái này cũng khá hiếm hoi). Điểm đến là một nhà hàng sang trọng. Khách khứa cũng quí sờ tộc lắm. Đám trẻ con được bố trí vào một bàn ăn riêng, cho đỡ phiền bố mẹ (hì hì, cái này là bố mẹ hơi ích kỷ nha). Nhân vật chính của bữa tiệc đang nhai nhồm nhoàm, áo sơ mi trắng lôi tuột ra ngoài quần cho đỡ nóng, áo vest ném ra sau lưng ghế. Nghe mẹ gọi đứng dậy đón khách và nhận quà cáp, cậu ta nhỏm dậy dòm 3 mẹ con nhà mình. Mẹ dúi cái túi quà vào tay anh Ngô, đẩy vào lưng một cái, anh Ngô thực hiện màn trao quà đầy nghi thức. Hiểu việc gì đang diễn ra, mình cao giọng: "Chúc mừng anh nhân dịp...". Mẹ thích chí quá, ra hiệu cho mọi người chú ý, rồi trỏ trỏ vào mình. Mình hoàn thành nốt câu nói: "chúc mừng anh nhân dịp...20 tháng 11!". Oài, mẹ kêu xèo xèo một cách thất vọng, câu này mình thuộc lòng từ dịp chúc mừng cô giáo tháng trước, nên không kịp hoàn tất việc thay chữ cho phù hợp! Sai sót nhỏ ý mà. Hì hì. Rồi, vào tiệc. Anh Ngô chững chạc ngồi xuống ghế, rót coca ra ly. Mình ngồi xuống bên cạnh, ặc, mép bàn chạm tới... gần cằm. Đắn đo một lát, mẹ quyết định ngồi bên cạnh. Còn hai em gái nữa nhỏ như mình, cũng có mẹ kèm mà. Không phải là quá bất thường, phải không? Nên mẹ vẫn cười tươi như hoa. Bàn tiệc trẻ con đầy những khuôn mặt tròn xoe, hồng hào, béo tốt, và hầu như toàn con nhà giàu (trừ nhà mình), và hầu như...chả được dạy dỗ nền nếp cho lắm. Ăn thì chẳng mấy, nhưng đánh đổ tùm lum, vừa ăn bốc, vừa rút đồ chơi điện tử xịn ra chơi và khoe với nhau. Anh Ngô nhà mình vốn điềm đạm, tốt ăn, nên cứ thực hiện đúng nguyên tắc bên bàn ăn là măm măm thôi. Mình thì thích những thứ lạ, và có mẹ kèm chắc ở bên cạnh, nên những phút đầu ăn uống cũng ra dáng lắm. Anh Ngô rụt rè, chưa quen, nên không vội tham gia với đám trẻ kia. Mình thì cần quái gì phải giữ ý. Sau khi đã nếm đủ các món ăn, thấy không còn hứng thú tìm hiểu đồ ăn nữa, mình bắt đầu chú ý tới lũ kia. Pha trò cái cho ấn tượng nhỉ, mình gọi đứa đối diện: này này! Thế này này! Tiếp đó mình giơ tay giả vờ gõ gõ máy tính rồi há mồm, trợn mắt kêu ồ ồ rồi phá lên cười. Chỉ có mỗi mẹ với anh Ngô hiểu, là mình muốn pha trò bằng cách kể lại cái chuyện trên phim hoạt hình mình xem ở nhà, cái nhân vật ấy có cử chỉ tức cười lắm mà. Bọn kia không hiểu, chúng nhìn rồi lại quay đi tập trung vào chuyện của chúng nó. Cái thằng đối diện, có vẻ thông minh, nhìn kỹ mình một cái ra điều rất khó hiểu. Mẹ đã giữ cho tình hình ổn thoả suốt bữa ăn. Thỉnh thoảng mình cũng hét lên, muốn thoát ra ngoài chạy lông nhông, hoặc gõ bát, nhưng nói chung cũng chẳng gây chú ý lắm, vì bọn kia cũng ồn ào và đổ vỡ um tí mẹt, cũng "tăng động" đúng kiểu VIP. Hết bữa ăn (mâm trẻ con kết thúc nhanh hơn nhiều so với mâm người lớn), cả bọn được đưa sang một phòng khác để ăn bánh sinh nhật. Mẹ vẫn lo lắng bám theo. Nhưng sang đây thấy dễ chịu hơn nhiều vì bài trí kiểu Nhật, ngồi lên những tấm nệm, bát đĩa dẹp hết rồi, quanh tường không có cái gì dễ đổ vỡ. Bánh sinh nhật được đặt lên, thắp nến. Bọn trẻ hau háu chờ, chúng làm liến láu cho xong các phần nghi thức. Tốc độ nghe, hiểu, làm theo của mình chậm hơn nhiều, nên khi chúng nó đã chộp lấy đĩa chìa ra đòi lấy bánh thì mình vẫn còn gân cổ ngân nga hát nốt mấy câu bài hát happy birthday! Lần này, mẹ đã lùi ra xa, ngồi cạnh mình là thằng bé có vẻ thông minh lúc nãy. Thi thoảng nó lại nhìn mình, cau mày, nhưng vẫn giữ lịch sự. Sau hỏi ra mới biết, nó sống ở nước ngoài. Mình gọi nó: Anh nhìn này! rồi dùng cái dĩa quay tít trên bàn. Với mình thì đấy là một điều thú vị lắm, nhưng nó thấy chả có gì đáng cười cả. Sau vài trò chơi nữa, mà mình rất chậm hiểu luật chơi, thì chủ bữa tiệc anti mình, gọi luôn mình là thằng hâm. Mình chẳng thấy có gì phiền lòng, nhưng mẹ thì muốn đưa mình về. Những người lớn khác ngạc nhiên, phản đối, bảo là dù sao mình cũng nhỏ nhất đám, mình chả có gì là bất thường, mẹ nên để mình chơi và va chạm một chút. Thế là mẹ rời khỏi phòng, sau khi gửi gắm mình cho một chị lớn nhất đám. Mẹ quay lại bàn tiệc của người lớn. OK, mẹ phải thế chứ, cứ để mình tự xoay xở! 30 phút sau, trong phòng chơi trẻ con vẫn yên ổn, và đã đến lúc hợp lý để ra về. Tham dự một bữa tiệc sinh nhật cũng gọi là một thành công đấy chứ, đúng không nhỉ?"