- Các sách
- Sách tự kỷ
Trang Chủ :: Tham gia vào cộng đồng :: Đi ra ngoài cộng đồng
1. Hướng dẫn trẻ đến các cuộc hẹn
2. Đi ra ngoài cộng đồngClip hướng dẫn cha mẹ và cán bộ y tế dạy trẻ đi ra ngoài cộng đồng:
Giới thiệu:
Việc tham gia vào những hoạt động trong cộng đồng là một thách thức đối với trẻ tự kỷ bởi nó đòi hỏi nhiều kỹ năng trong giao tiếp, xã hội, thể chất và hành vi. Hầu hết cha mẹ cảm thấy lo lắng khi trẻ tiếp xúc với cộng đồng bên ngoài, bởi trẻ có thể có những hành vi không phù hợp, hoặc có thể cảm thấy khó chịu khi ở trong môi trường mới. Tuy nhiên, được tiếp xúc với một số địa điểm quen thuộc trong cộng đồng là rất cần thiết cho cuộc sống tự lập của trẻ sau này. Vì vậy ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cần phải bắt đầu giới thiệu cho trẻ một số quy tắc khi tham gia vào các hoạt động xã hội.
Gợi ý khi hỗ trợ trẻ tham gia vào cộng đồng:
Bước 1: Sử dụng từ ngữ và tranh ảnh để cho trẻ biết nơi chuẩn bị đến
- Cho trẻ xem bức tranh chỉ địa điểm và gọi tên địa điểm mà bạn và trẻ đang đi tới, để trẻ có hình dung trong đầu về địa điểm đó. Một số địa điểm quen thuộc trong cộng đồng gồm có: cửa hàng tạp hóa, bưu điện, siêu thị, công viên,…
- Một số trẻ có thể khó hiểu hoặc kém nhận thức về các địa điểm, sử dụng những câu chuyện xã hội sẽ giúp trẻ hiểu hơn. Câu chuyện xã hội là công cụ để chia nhỏ mỗi hoạt động thành các bước hoặc khái niệm nhỏ, giúp trẻ chuẩn bị tốt hơn khi tham gia vào một môi trường mới.
- Câu chuyện cần được viết từ góc nhìn của một đứa trẻ tự kỷ
- Sử dụng kết hợp các kiểu câu khác nhau, theo tỉ lệ gợi ý như sau: Câu miêu tả (cung cấp thông tin, ví dụ: Buổi sáng, tôi đi học), Câu nhận thức (miêu tả cảm xúc, suy nghĩ hoặc trạng thái tình cảm, ví dụ: Thỉnh thoảng ở trường tôi thấy buồn ngủ); Câu hướng dẫn (gợi ý làm thế nào để giải quyết một tình huống, ví dụ: Tôi sẽ tập thể dục khi cảm thấy buồn ngủ).
- Tham khảo một số câu chuyện xã hội tại: http://www.child-autism-parent-cafe.com/examples-of-autism-social-stories.html
Bước 2: Cho trẻ cơ hội tham gia vào các hoạt động trong cộng đồng
- Trẻ sẽ hiểu hơn ý nghĩa và giá trị của việc được là một thành viên trong cộng đồng nếu trẻ được chủ động tham gia, ví dụ lên danh sách các thứ cần mua khi đi chợ, đẩy giỏ hàng khi đi siêu thị, đưa chó đi dạo, vv. Giao nhiệm vụ cho trẻ và khen thưởng khi trẻ hoàn thành các công việc đó sẽ khuyến khích trẻ tham gia thường xuyên vào các hoạt động ở ngoài cộng đồng.
- Từ từ và đều đặn giới thiệu trẻ tới những địa điểm mới. Bạn có thể bắt đầu bằng cách đưa trẻ tới những địa điểm mới vào những lúc vắng người, hoặc chỉ ra ngoài trong thời gian ngắn (vài phút mỗi lần) sau đó dần dần tăng thời gian.
- Lưu ý rằng đối với các kỹ năng trong xã hội, việc hạn chế trẻ ra ngoài sẽ càng làm nảy sinh nhiều vấn đề trong cuộc sống tự lập của trẻ; bạn nên để trẻ tiếp xúc với cộng đồng trong các khoảng thời gian ngắn và đều đặn trong cả tuần.
Bước 3: Thu hút sự tham gia của cộng đồng
- Khó có thể kỳ vọng tất cả mọi người trong cộng đồng bạn sinh sống cùng tham gia hỗ trợ và nhạy cảm với nhu cầu của trẻ tự kỷ, tuy nhiên vẫn nên thu hút sự quan tâm và nâng cao nhận thức của cộng đồng bằng mọi cách có thể.
- Cha mẹ có thể nói trước về những điểm khác biệt và nhu cầu đặc biệt của trẻ với những người làm ở quán café, nhà hàng hay cửa hàng tạp hóa mà gia đình bạn hay đến. Nếu trẻ giao tiếp thông qua tranh ảnh, giới thiệu qua với họ về cách sử dụng hệ thống giao tiếp qua tranh.
- Cha mẹ có thể chuẩn bị trước một số tờ rơi về tự kỷ để phát cho mọi người trong cộng đồng, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về tự kỷ, đặc biệt là trong trường hợp trẻ có hành vi không phù hợp. Tham khảo một số ví dụ tại đây: http://www.amylaurent.com/images/docs/ASD_Awareness_Card.pdf
Nguồn:
http://carolgraysocialstories.com/wp-content/uploads/2015/09/It-is-NOT-a-Social-Story-if….pdf
Phụ huynh nói gì?
Hihi, không phải là chém gió đâu, đến mục này, Mai Trần tôi thực sự là có tài năng. Tôi đã dạy bạn Khoai rất nhiều rất nhiều để bạn ấy có thể tiếp cận cuộc sống bình thường bên ngoài từ rất sớm. Có lẽ vì tôi cũng là con người của cộng đồng, của những hội bạn bè, đồng nghiệp tụ tập, của những nhóm cha mẹ, hay hội nhóm cùng sở thích... Các bạn vào A365 để xem kỹ phần lý thuyết và bài dạy mẫu nhé. Cô giáo sẽ giải thích cách bạn dùng tranh ảnh và thiết kế câu chuyện xã hội như thế nào để dạy trẻ, sau đó cho trẻ đi thực hành ở bên ngoài. Ví dụ như kỹ năng mua sắm. Tôi đã dạy Khoai đi siêu thị, giao cho nhiệm vụ lấy vé gửi xe, chọn đồ, xách đồ... Trích nhật ký nhà Khoai nhé: "...Mẹ tớ có thẻ khách VIP ở Fivimart là nhờ tớ đấy, chứ không phải tự nhiên mà có đâu. Ngày tớ lên ba, chưa nói, tăng động, muốn gì là đòi cho bằng được, nên mẹ không dám đưa tớ đi siêu thị. Đó là một sai lầm lớn. Mẹ nhiều khi rất không hiểu tớ. Chẳng hạn như việc mẹ cho rằng tớ rất bạo dạn, chả biết sợ là gì, nên tớ mới 1 tuổi đã đưa tớ xuống tắm biển. Trời, không gian mênh mông làm tớ ngợp, tớ khóc thét, đến nỗi tối hôm ấy về phát sốt. Còn về vụ siêu thị, thì lần đi siêu thị đầu tiên của tớ, lúc 3 tuổi 4 tháng, đã cho mẹ thấy là mẹ đã rất nhầm về tư cách quí ông của tớ. Hôm đó, chuẩn bị tinh thần đầy đủ về những bất trắc có thể xảy ra, mẹ nín thở dắt tớ vào siêu thị. (Chú thích: Thực ra là mẹ đã dạy ông ấy nhiều bằng tranh ảnh rồi đấy ạ!) Và, tớ nhẹ nhàng bước đi giữa những gian hàng, miệng cười tươi tắn, ngắm nghía các món đồ một cách tự nhiên, khoan thai và thanh lịch, xem xong món nào lại trả về ngăn của nó, thấy mẹ đi đến đâu là bước đi cùng. Quá đỗi ngạc nhiên, mẹ cứ nhìn tớ đầy thán phục. Sau cuộc dạo chơi đó, mẹ con tớ trở thành hai kẻ nghiện đi siêu thị. Kể ra cũng hơi tốn kém, nhưng hai mẹ con đi siêu thị liên tục. Mẹ nghĩ rằng sẽ hướng dẫn dần cho tớ việc mua sắm trong môi trường văn minh. Sau này lớn lên, nếu vợ có giao cho nhiệm vụ đi mua sắm tí chút thì cũng không có vấn đề gì. Mỗi ngày một ít, mỗi ngày một bài học (số bài giảng tỉ lệ thuận với số tiền đóng góp ở quầy thu ngân), tớ thông thạo cái siêu thị gần nhà như lòng bàn tay. Mỗi lần đến, tớ lấy vé xe và trả vé xe cho mẹ. Tớ đưa vé và tiền bằng hai tay, thưa gửi có hơi ấp úng một tí, nhưng đại thể là các bác bảo vệ hiểu cả. Chỉ xảy ra sơ suất đúng một lần, tớ đưa 10 nghìn trả tiền gửi xe, nhận lại 8 nghìn, vậy mà rơi đâu mất mấy tờ, lúc về đưa lại mẹ chỉ có 3 nghìn thôi! Bây giờ vào siêu thị, mẹ có thể yên tâm giao cho tớ đi chọn một số thứ tớ thích. Hoặc mẹ nói: mẹ muốn mua hạt nêm, đi mua hạt nêm đi con, thế là tớ đẩy xe ngay đến chỗ có bày hạt nêm. Qua quầy thực phẩm, mẹ hay hỏi ý kiến tớ là nên mua món gì. Lần gần đây nhất, tớ đề nghị mẹ mua gói hỗn hợp ngô, đậu, cà rốt... để làm món xalat, mua xong tớ dẫn mẹ vòng ra quầy khác để mua "mài ồ né li da" như tivi quảng cáo về để trộn xalat đấy. Siêu không? Cái quầy đồ chơi hoàng tráng ở tầng hai, tớ rất thích nhưng chỉ ghé qua để xem thôi. Hôm nào mẹ rất cảm động hoặc mẹ có món xiền kiểu "trời rơi xuống" nào đấy thì mẹ mới mua cho tớ. Đồng ý thôi, người lịch sự không đòi hỏi la hét ở siêu thị bao giờ nhé. Đôi khi tớ chọn những món quá tầm cỡ sinh hoạt gia đình, mẹ cũng giải thích là nó đắt. Thế là hôm nào thấy ai khoe mới mua gì, tớ hay cẩn thận hỏi có đắt không? (Hỏi cho oai chứ thực ra tớ đây cũng không màng câu trả lời, vì chưa hiểu mấy thế nào là đắt). Tớ cũng thông thạo thị trường phết, tối về xem quảng cáo tivi tớ giải thích cho bố biết món nào ở siêu thị đang có, món nào không, hỏi bố nhà mình có cần mua cái ấy không, bố mà ừ là tớ dẫn bố đi mua, giúp đỡ người thiếu thông tin là việc nên làm mà! Thời buổi dịch cúm hoành hành, hôm qua mẹ tớ chọn mua cho tớ cái khẩu trang, đeo thử lên mặt tớ. Tớ làm mẹ choáng suýt rơi cả làn khi bảo là "không hợp". (Chả là tớ vừa nghe thấy hai cô khách hàng chọn khẩu trang hỏi nhau xem mua màu nào cho hợp mà). Đương nhiên mua hàng phải chọn chứ, mẹ kính mến!" Sau một số vụ mua bán này, ông con nói chưa sõi của tôi đã hiểu biết về thương mại đến nỗi dám đi mua quà chịu. Thèm ăn bimbim quá, hắn ta ra đầu ngõ, dùng mọi cách với vốn từ ít ỏi và câu cú lộn xộn để "nói" với bà bán hàng là cần mua một gói bimbim còn tiền thì gặp mẹ mà lấy. Lúc mẹ về bị túm lại đòi nợ, mẹ suýt ngã ngửa! Tóm lại là, không cần phải đợi đến khi nói tốt, hành vi tốt mới ra ngoài cộng đồng, mà chính là ra ngoài sẽ điều chỉnh ngôn ngữ và hành vi. Các bố mẹ đừng ngại, đừng lo lắng quá, cứ mạnh dạn đưa con tiếp cận với cuộc sống bên ngoài sớm nhé! (Nhớ vào xem video trong A365 để biết cách thiết kế bài học ở nhà trước khi ra ngoài)